Ngày 28/12/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 42/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT, có hiệu lực từ 16/02/2024. Tuy vậy, kể từ ngày có hiệu lực của Thông tư mới thì phần lớn các nội dung vẫn giữ nguyên, chỉ có 1 số điều được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng với thay đổi thực tế. Trong bài viết sau đây, Công ty LAW FOR LIFE sẽ trình bày một số điểm mới của Thông tư 42/2023/TT-BCT được áp dụng.
Thông tin cơ bản của Thông tư 42/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 37/2019/TT-BCT về biện pháp phòng vệ thương mại
- Lĩnh vực, ngành: Thương mại
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Nguyễn Sinh Nhật Tân
- Ngày ban hành: 28/12/2023
- Ngày hiệu lực: 16/02/2024
Khái quát về phòng vệ thương mại
Hiện nay chưa có định nghĩa nào về phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, có thể hiểu cơ bản như sau: Phòng vệ thương mại là các biện pháp mà một quốc gia áp dụng nhằm hạn chế việc nhập khẩu ồ ạt đối với một số hàng hóa, khiến cho nền sản xuất trong nước bị đe dọa hoặc gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017, các biện pháp phòng vệ thương mại:
- Biện pháp chống bán phá giá: Là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp hơn:
- Giá thông thường là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường, hoặc;
- Mức giá mà Cơ quan điều tra xác định bằng phương pháp tự tính toán.
-
- Biện pháp chống trợ cấp: Là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa có sự đóng góp của Chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức công nào ở quốc gia có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam dưới các hình thức sau đây đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân nhận trợ cấp
- Biện pháp tự vệ: Là biện pháp chỉ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Nhập khẩu quá mức khi khối lượng hoặc số lượng hàng hóa nhập khẩu gia tăng một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước;
- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng;
- Việc gia tăng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước
Những điểm mới cần lưu ý trong Thông tư 42/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 37/2019/TT-BCT về biện pháp phòng vệ thương mại
Quy định về thời gian xem xét đơn đăng ký bên liên quan
Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 37/2019/TT-BCT được sửa đổi như sau: “Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia bên liên quan sau thời hạn nêu tại khoản 2 Điều này, Cơ quan điều tra có quyền xem xét việc chấp thuận hoặc không chấp thuận các tổ chức, cá nhân đó là bên liên quan của vụ việc trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đăng ký của bên liên quan. Trong trường hợp không chấp thuận tổ chức, cá nhân là bên liên quan, Cơ quan điều tra nêu rõ lý do.”
Quy định này được nêu ra nhằm gây áp lực về mặt thời gian cho Cơ quan điều tra, khiến cho Cơ quan này có thể tập trung vào việc xem xét, kiểm tra đơn và giúp cho các tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký có thể hiểu rõ lý do không được chấp thuận và không phải chờ đợi quá lâu như trước đây khi chưa có quy định mới này.
Bên cạnh việc quy định về thời gian xem xét đơn, Nghị định mới còn bổ sung quy định việc yêu cầu Cơ quan điều tra cần nêu rõ lý do trong trường hợp không chấp thuận đơn đăng ký đó. Trước đây, khi quy định này chưa được đặt ra đã khiến cho các cá nhân, tổ chức nộp đơn rất lúng túng khi không biết được rằng đơn đăng ký của mình sai ở đâu hay thiếu những giấy tờ gì.
Bổ sung trường hợp về hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước
Ngoài trường hợp được xem xét miễn trừ áp dụng phòng vệ thương mại đối với các loại hàng hóa tương tự hay hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên cùng thị trường trong nước đã được quy định từ trước, Bộ Công thương đã quy định thêm trường hợp trong điều kiện bất khả kháng dẫn tới thiếu hụt nguồn cung của ngành sản xuất trong nước thì được đưa hàng hóa này vào cùng 1 thị trường. Điều này nhằm tạo bù đắp sự thiếu hụt tạm thời của thị trường, cùng với đó là tạo sự cạnh tranh đối với các loại hàng hóa, loại bỏ sự độc quyền đối với bất kỳ hàng hóa nào.
Bổ sung trường hợp Bộ Công Thương xem xét không miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Bộ Công Thương bổ sung quy định xem xét không miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với tổ chức, cá nhân có hàng hóa đã được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bị kết luận không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ theo yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra sau miễn trừ của cơ quan điều tra.
Với việc bổ sung về trường hợp mới này, Bộ Công thương đã có nhắc nhở đối với các tổ chức, cá nhân có hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần có thái độ hợp tác, làm theo các hướng dẫn của cơ quan điều tra. Từ quy định này, việc sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có thể sẽ bị ảnh hưởng khi tiếp cận với thị trường Việt Nam nếu không nghiêm túc hợp tác thực hiện.
Quy định cụ thể về thời điểm cơ quan điều tra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ miễn trừ
Các thời điểm mà Cơ quan điều tra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ miễn trừ như sau:
- Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời;
- Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức;
- Ngày 15 tháng 3 và ngày 15 tháng 9 hàng năm.
Việc quy định này đã rõ ràng hơn so với trước đây. Với quy định tại Thông tư 37/2019/TT-BCT, chỉ quy định là sau khi Bộ Công thương ban hành quyết định mà không có 1 mốc thời gian cụ thể khiến cho các cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ trở nên mơ hồ và không nắm bắt được thời gian cụ thể để nhận được thông báo. Cùng với việc đưa ra mốc thời gian cụ thể thì đây chính là quy định nhằm gây áp lực thời gian đối với các cơ quan điều tra cần đưa ra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ kịp thời, tránh việc kéo dài chờ đợi cho các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ.
* Lưu ý:
Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã được tiếp nhận hoặc đã ban hành quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 37/2019/TT-BCT.
Dịch vụ tư vấn pháp luật phòng vệ thương mại của LAW FOR LIFE
- Tư vấn quy định pháp luật hiện hành về phòng vệ thương mại;
- Tư vấn giải quyết các vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại của khách hàng;
- Đại diện theo ủy quyền của khách hàng giải quyết các vụ việc về phòng vệ thương mại tại cơ quan có thẩm quyền;
- Tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp cập nhật những quy định pháp luật về phòng vệ thương mại mới thay đổi.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về các quy định về phòng vệ thương mại, xin vui lòng liên hệ Công ty LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất!