Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại. Với nhiều tính ưu việt, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, để nắm rõ quy trình thủ tục tố tụng trọng tài, bên khởi kiện cần nắm rõ việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Vậy hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài gồm những gì?
Căn cứ pháp lý
- Luật Trọng tài thương mại năm 2010
- Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là gì?
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Căn cứ Khoản 1 Điều 3 và Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau:
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, nếu luật chuyên ngành không quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Vì vậy, các bên cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện tại trọng tài thương mại để không bị mất quyền khởi kiện do hết thời hiệu và tiến hành soạn và nộp đơn khởi kiện để yêu cầu trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp theo đó.
Hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Các bên trong tranh chấp có thể lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài và theo quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài đó (trọng tài quy chế) hoặc tự chỉ định các trọng tài viên và thỏa thuận quy tắc tố tụng theo luật định (trọng tài vụ việc). Tùy từng hình thức giải quyết tranh chấp các bên lựa chọn mà việc phương thức nộp đơn khởi kiện cũng sẽ khác nhau.
Hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Về nội dung hồ sơ khởi kiện
Căn cứ theo Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo:
- Đơn khởi kiện
- Thỏa thuận trọng tài
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu
- Giấy tờ chứng minh nhân thân hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Các tài liệu khác có liên quan đến tranh chấp
Về số lượng hồ sơ
Thông thường hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ có 1 bộ hồ sơ.
Về đối tượng khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Đối tượng hay nói cách khác là người có quyền nộp đơn yêu cầu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là các cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về nơi nộp hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Sau khi bên khởi kiện đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện thì có thể gửi hồ sơ khởi kiện theo các hình thức sau:
- Thứ nhất, trường hợp giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài vụ việc, người khởi kiện phải gửi hồ sơ khởi kiện cho người bị kiện. Sau đó, người bị kiện sẽ gửi bản tự bảo vệ cho người khởi kiện và chỉ định trọng tài viên. Khi đó, hội đồng trọng tài được thành lập sẽ xem xét hồ sơ khởi kiện và bản tự bảo vệ của các bên.
- Thứ hai, trường hợp giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài, người khởi kiện có thể nộp hồ sơ khởi kiện đến trung tâm trọng tài bằng 02 phương thức sau: nộp trực tiếp tại Trung tâm trọng tài hoặc gửi đến trung tâm trọng tài theo đường dịch vụ bưu chính.
Trình tự giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Trình tự giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài vụ việc:
Trường hợp giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài vụ việc, hội đồng trọng tài sẽ ấn định các khoản tạm ứng phí trọng tài và các bên sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo quy tắc tố tụng đã thỏa thuận.
Trình tự khởi kiện tại trung tâm trọng tài
Bước 1: Người có yêu cầu nộp đơn và hồ sơ khởi kiện tại trung tâm trọng tài
Bước 2: Trung tâm trọng tài nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn,
Yêu cầu sửa chữa, bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ và tiếp nhận hồ sơ nếu hồ sơ đã đầy đủ và đúng quy định của pháp luật
Bước 3: Thụ lý hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn
Bước 4: Trung tâm trọng tài gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và những tài liệu theo quy định pháp luật trọng tài.
- Sau đó, trung tâm trọng tài thông báo việc khởi kiện cho người bị kiện và các bên sẽ tiến hành thủ tục lựa chọn trọng tài viên, thành lập hội đồng trọng tài để giải quyết vụ việc theo quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài.
- Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Bước 5: Báo lịch giải quyết vụ việc cho nguyên đơn và bị đơn, những người liên quan.
Bước 6: Nộp đơn và hồ sơ khởi kiện trực tiếp bằng đường bưu điện.
Quy định về hồ sơ khởi kiện trong quy tắc tố tụng của VIAC
Căn cứ Khoản 2 Điều 7 Quy tắc VIAC, hồ sơ khởi kiện gồm các nội dung sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của các bên;
- Tóm tắt nội dung của vụ tranh chấp;
- Cơ sở khởi kiện;
- Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu câu khác của nguyên đơn;
- Tên của người được nguyên đơn chọn làm trọng tài viên hoặc yêu cầu trung tâm chỉ định trọng tài viên theo quy định về việc thành lập hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên hoặc thành lập hội đồng trọng tài gồm trọng tài viên duy nhất.
- Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp nguyên đơn là tổ chức, chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp nguyên đơn là cá nhân.
Ngoài ra, khi nộp hồ sơ khởi kiện tại VIAC, nguyên đơn cần lưu ý phải nộp kèm thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác liên quan, giúp quá trình tố tụng trọng tài nhanh chóng và hiệu quả hơn. Căn cứ Khoản 3 Điều 7 Quy tắc VIAC quy định: “Kèm theo đơn khởi kiện phải có thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan”.
Một số câu hỏi liên quan đến hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Các thông báo, tài liệu (đơn khởi kiện, bản tự bảo vệ, đơn khởi kiện lại và những tài liệu khác) có thể được thực hiện bằng ngôn ngữ nào?
Căn cứ theo Điều 10 Luật Trọng tài thương mại quy định về ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài như sau:
- Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì được chọn người phiên dịch ra tiếng Việt.
- Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận.
- Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về ngôn ngữ trọng tài, các thông báo và tài liệu trong quá trình tố tụng trọng tài được thực hiện bằng ngôn ngữ do các bên thỏa thuận hoặc do hội đồng trọng tài quyết định.
Tài liệu kèm theo đơn khởi kiện, bản tự bảo vệ, đơn khởi kiện lại và các tài liệu khác có phải công chứng không?
- Các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện, bản tự bảo vệ, đơn kiện lại và các tài liệu khác có thể là bản chính, bản sao hoặc bản sao có công chứng.
- Trong trường hợp cần thiết hội đồng trọng tài có thể yêu cầu các bên cung cấp tài liệu theo hình thức mà hội đồng trọng tài quyết định.
Bản tự bảo vệ gồm những nội dung gì?
- Ngày, tháng, năm làm bản tự bảo vệ;
- Tên, địa chỉ của bị đơn;
- Cơ sở tự bảo vệ;
- Tên của người được bị đơn chọn làm trọng tài viên hoặc yêu cầu trung tâm chỉ định trọng tài viên.
- Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp bị đơn là cá nhân.
- Trong trường hợp bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện thì bị đơn phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ. Nếu bị đơn không nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ thì bị đơn mất quyền phản đối. Trong trường hợp này, bị đơn vẫn phải chọn trọng tài viên hoặc yêu cầu trung tâm chỉ định trọng tài viên
Doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn pháp luật doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài thương mại xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được Luật sư có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất!