Hoạt động cho vay là một trong những hoạt động cơ bản của các tổ chức tín dụng. Với vai trò kết nối giữa những người cần vốn với những người thừa vốn, thúc đẩy sản xuất, hoạt động này diễn ra ngày một phổ biến, đòi hỏi cần có các hợp đồng tín dụng mang giá trị pháp lý. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng, các tranh chấp có thể phát sinh, gây khó khăn cho nhiều khách hàng khi không biết phải giải quyết chúng như thế nào. Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, LAW FOR LIFE xin đưa ra bài viết giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng sau đây.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
- Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Hợp đồng tín dụng là gì?
Hợp đồng tín dụng được hiểu là sự thoả thuận bằng văn bản giữa bên cho vay (tổ chức tín dụng) và bên vay. Theo đó, bên cho vay chuyển nhượng quyền sở hữu khoản tiền nhất định cho bên vay theo thời hạn và mục đích đã được xác định, dựa trên nguyên tắc hoàn trả cả gốc lẫn lãi.
Từ khái niệm trên, có thể thấy hợp đồng tín dụng mang một số đặc điểm sau:
- Hình thức của hợp đồng tín dụng: văn bản;
- Hợp đồng tín dụng là loại hợp đồng vay tài sản, đối tượng của hợp đồng tín dụng là tiền tệ;
- Hợp đồng tín dụng có thời hạn và vì mục tiêu lợi nhuận;
- Hợp đồng tín dụng phải tuân thủ các yêu cầu về nội dung lãi suất vay, thời hạn vay và bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Có nhiều cách phân loại hợp đồng tín dụng tuỳ thuộc vào tiêu chí khác nhau, cụ thể:
- Căn cứ vào thời hạn sử dụng vốn: Hợp đồng tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn;
- Căn cứ vào hình thức bảo đảm: Hợp đồng tín dụng có đảm bảo và hợp đồng tín dụng không có đảm bảo.
Tranh chấp hợp đồng tín dụng
Khi ký hợp đồng tín dụng, các bên thoả thuận và cam kết thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng, các bên có thể xảy ra những mâu thuẫn và xung đột, điều này có thể xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.
Như vậy, có thể hiểu tranh chấp hợp đồng tín dụng là những mâu thuẫn phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay là tổ chức tín dụng với bên vay. Đó có thể là những tranh chấp về lãi suất, xử lý tài sản đảm bảo, giải ngân,…
Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng
Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng được hiểu là cách thức mà các tranh chấp hợp đồng tín dụng được giải quyết. Trong các trường hợp xảy ra tranh chấp thì trước hết cần thương lượng, hoà giải để có thể hiểu được khó khăn của các bên mà có sự điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích mà không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai bên.
Thương lượng
Đây là phương thức lâu đời nhất. Theo đó, các bên trong tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự giúp đỡ hay phán quyết của một bên thứ ba nào.
- Ưu điểm của phương thức thương lượng: thực hiện một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí, bảo mật thông tin.
- Nhược điểm: việc thực hiện các vấn đề đã thương lượng phụ thuộc vào sự tự nguyện và thiện chí của các bên.
Hoà giải
Hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của một bên thứ ba làm trung gian hoà giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm giải pháp nhằm loại bỏ tranh chấp phát sinh. Căn cứ pháp lý cho việc hòa giải là thảo thuận hòa giải được ghi nhận trong hợp đồng tín dụng, khi đó trình tự thủ tục hoa giải được thực hiện theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Trong trường hợp không có thỏa thuận, căn cứ pháp lý cho việc hòa giải là Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013.
- Ưu điểm của phương thức hoà giải: tiết kiệm, nhanh chóng.
- Nhược điểm: Cũng như biện pháp thương lượng, việc thực hiện kết quả hoà giải thành phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên, ngoài ra, vai trò của bên thứ ba làm trung gian cũng vô cùng quan trọng, đòi hỏi bên thứ ba phải am hiểu và có ảnh hưởng, uy tín nhất định với các bên trong tranh chấp.
Toà án
Toà án là cơ quan xét xử chuyên trách của Nhà nước. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp tại toà án có nhiều ưu điểm như phán quyết của toà án có tính cưỡng chế thi hành cao; việc giải quyết tại Toà án dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự; đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh; xét xử kịp thời, công bằng.
Việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo hai cấp xét xử là sơ thẩm, phúc thẩm, phải tuân thủ trình tự thủ tục chặt chẽ theo luật định, từ giai đoạn khởi kiện đến thụ lý, chuẩn bị xét xử, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm (nếu có kháng cáo kháng nghị).
Bên cạnh những ưu điểm thì việc giải quyết tranh chấp tại Toà án vẫn tồn tại một số nhược điểm nhất định: thủ tục giải quyết thường kéo dài, bản án chưa có hiệu lực pháp luật ngày mà có thể bị kháng cáo kháng nghị; nguyên tắc xét xử công khai có thể làm lộ một số bí mật của các cá nhân, pháp nhân.
Trọng tài
Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong hợp đồng tín dụng. Thẩm quyền trọng tài chỉ phát sinh nếu có thỏa thuận này. Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được thực hiện dựa trên các nguyên tắc như sau:
- Nguyên tắc thoả thuận trọng tài: Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên. Thoả thuận này có thể có trước hoặc sau tranh chấp.
- Nguyên tắc trọng tài độc lập, vô tư khách quan;
- Nguyên tắc trọng tài phải căn cứ vào pháp luật;
- Nguyên tắc giải quyết một lần: khác với toà án với 2 cấp xét xử, trọng tài không có cơ quan cấp trên nên phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án sơ thẩm, không có thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trọng tài thương mại ngày càng phổ biến trong giải quyết tranh chấp nhờ tính bảo mật và nhanh chóng, tuy vậy việc thi hành phán quyết trọng tài phần nhiều phụ thuộc vào sự thiện chí của các bên, trường hợp muốn ràng buộc thì phải trải qua thủ tục công nhận tại tòa án tương tự phương thức hòa giải (công nhận biên bản hòa giải thành) để được cưỡng chế thi hành.
Một số câu hỏi liên quan
Hợp đồng tín dụng có các nội dung gì?
Ngoài các thông tin về thời gian, địa điểm ký hợp đồng, thông tin của bên cho vay và bên vay, hợp đồng tín dụng còn có các nội dung sau:
- Điều khoản về số tiền vay;
- Điều khoản về mục đích vay;
- Điều khoản về lãi suất vay;
- Điều khoản về bảo đảm thực hiện hợp đồng;
- Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Điều khoản giải quyết tranh chấp;
- Điều khoản thi hành.
Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Toà án diễn ra như thế nào?
Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Toà án được thực hiện theo trình tự các bước như sau:
- Bước 1: Nộp đơn khởi kiện, nộp tiền tạm ứng án phí;
- Bước 2: Sau khi nhận được biên lai tạm ứng án phí, Toà án sẽ đưa thông báo về việc thụ lý vụ án;
- Bước 3: Toà án tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa vụ án ra xét xử:
- Lập hồ sơ;
- Xác định tư cách đương sự;
- Làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án;
- Tổ chức phiên họp, kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải.
- Toà án thực hiện xét xử:
- Xét xử sơ thẩm: lần đầu, toàn bộ vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng;
- Xét xử phúc thẩm: Toà án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Toà án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật dựa trên nội dung kháng cáo kháng nghị.
Người có quyền kháng cáo kháng nghị trong giải quyết tranh chấp tại Toà án được quy định như thế nào?
Theo quy định của pháp luật, người có quyền kháng cáo kháng nghị bao gồm:
- Đối với kháng cáo: đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan tổ chức khởi kiện vì lợi ích của người khác.
- Kháng nghị: Viện kiểm sát cùng cấp, cấp trên.
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng
Tùy thuộc vào các hình thức giải quyết tranh chấp, hồ sơ giải quyết tranh chấp có thể khác nhau. Thông thường, người khởi kiện cần phải chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu sau:
- Đơn khởi kiện;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của bên khởi kiện như Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân. Nếu bên khởi kiện là tổ chức hay cơ quan thì phải có bản sao giấy tờ tùy thân của người đại diện cơ quan, tổ chức và Giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức đó;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của bên bị kiện (bị đơn) như Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân. Nếu bên bị kiện (bị đơn) là tổ chức hay cơ quan thì phải có bản sao giấy tờ tùy thân của người đại diện cơ quan, tổ chức và Giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức đó;
- Tài liệu có liên quan: Hợp đồng tín dụng;
- Tài liệu, chứng cứ trong việc các bên đã giải quyết bằng đàm phán, hòa giải như Biên bản thỏa thuận. Thông báo nợ, Giấy nhận nợ, xác nhận nợ….
Dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng của LAW FOR LIFE
- Tư vấn các quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ hợp đồng tín dụng;
- Tư vấn xác định căn cứ giải quyết tranh chấp và cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp;
- Tư vấn, chuẩn bị liên hệ và đàm phán với các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng;
- Tổ chức thương lượng, hòa giải các bên tranh chấp hợp đồng tín dụng, đại diện thương lượng hòa giải cho khách hàng;
- Đại diện khách hàng làm việc với ngân hàng, tổ chức tín dụng để thương thảo lộ trình trả nợ, hướng định giá hoặc thỏa thuận giá trị tài sản thế chấp để thực hiện phương án bán hoặc chuyển nhượng để thu hồi nợ.
- Trao đổi và hướng dẫn khách hàng thu thập tài liệu chứng cứ, cung cấp thông tin;
- Luật sư đại diện theo ủy quyền gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan Trọng tài, Tòa án, cơ quan thi hành án để bảo vệ tốt nhất cho quyền và nghĩa vụ hợp pháp của khách hàng.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.