Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến và hữu dụng nhất hiện nay. Bởi khả năng có thể giải quyết tranh chấp một cách triệt để của mình mà trọng tài thường được coi là phương thức giải quyết tranh chấp cuối cùng khi mà các phương thức khác không có hiệu quả. Do đó, để quý khách hàng có thể hiểu hơn về hình thức giải quyết tranh chấp này, LAW FOR LIFE sẽ đưa ra ưu và nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
- Luật Hòa giải ở cơ sở 2013;
- Luật Trọng tài Thương mại 2010;
- Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014.
Một số điểm khái quát về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Khái niệm trọng tài
Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010 đã quy định rằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn. Do đó, có thể hiểu rằng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp, theo đó, các bên trong tranh chấp sẽ thỏa thuận mang vấn đề tranh chấp của mình ra trọng tài để Hội đồng trọng tài (có thể có một hoặc nhiều trọng tài viên) xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng ràng buộc các bên tranh chấp buộc phải tuân thủ theo.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Căn cứ theo Điều 4 của Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài bao gồm những nguyên tắc sau:
- Nếu thỏa thuận giữa các bên tranh chấp không vi phạm điều cấm của luật và cũng không trái với đạo đức xã hội thì các trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên.
- Trọng tài viên phải là bên độc lập, khách quan, vô tư và tuân thủ theo đúng những gì mà pháp luật quy định.
- Các bên tranh chấp đều có sự bình đẳng lẫn nhau về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên tranh chấp có thể thực hiện được các quyền cũng như nghĩa vụ của mình.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ được tiến hành không công khai.
- Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm. Tức là, các bên tranh chấp không được phép yêu cầu trọng tài giải quyết lại vụ tranh chấp một lần nữa.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Không phải bất cứ vụ tranh chấp nào cũng có thể được giải quyết bằng Trọng tài, mà phải đáp ứng những điều kiện nhất định thì Trọng tài mới trở thành phương thức giải quyết cho vụ tranh chấp giữa các bên. Cụ thể nội dung của các điều kiện này đã được quy định đầy đủ tại Điều 5 Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010 như sau:
- Nếu giữa các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài thì tranh chấp sẽ được giải quyết bằng Trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được các bên lập ra vào thời điểm trước tranh chấp hoặc là sau thời điểm xảy ra tranh chấp.
- Nếu các bên không có thỏa thuận khác, trong trường hợp một bên của thỏa thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó thì thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực.
- Nếu các bên không có thỏa thuận khác, trường hợp một bên của thỏa thuận trọng tài là tổ chức bị chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi loại hình tổ chức, tổ chức mà tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức này sẽ nằm trọng phạm vi có hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
Ưu điểm và nhược điểm chung của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Ưu điểm
- Trọng tài có nguyên tắc là tôn trọng thỏa thuận của các bên, do đó các bên có thể tự do lựa chọn trọng tài viên mà mình mong muốn. Từ đó, tạo ra sự tin tưởng cho các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp.
- Quá trình xét xử bằng trọng tài là quá trình xét xử kín, vì thể các bên sẽ không sợ bị lộ hay bị công khai bí quyết kinh doanh của mình.
- Đây là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nên thường được các bên tranh chấp lựa chọn là phương thức giải quyết tranh chấp cuối cùng.
- Trọng tài viên là bên thứ ba độc lập, khách quan nên các bên không phải lo sợ rằng các trọng tài viên sẽ ưu ái một bên hơn và mình sẽ gặp bất lợi khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Nhược điểm
- Trọng tài chỉ là tổ chức phi chức phủ nên không có quyền lực nhà nước, dẫn tới việc khi cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trọng tài không thể tự mình ra quyết định áp dụng các biện pháp này được.
- Phán quyết trọng tài mang giá trị chung thẩm, các bên tranh chấp không thể yêu cầu trọng tài xét xử lại lần nữa, dẫn tới hệ quả là nếu trọng tài ra quyết định không chính xác sẽ gây ra tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp thua kiện.
- Trọng tài chỉ trở thành phương thức giải quyết tranh chấp khi được các bên lựa chọn. Còn nếu không bên không thỏa thuận sẽ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thì trọng tài sẽ không có thẩm quyền đương nhiên để giải quyết vụ việc.
Ưu điểm và nhược điểm cụ thể của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác
Ưu điểm, nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với hòa giải
Ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với hòa giải
- Phán quyết của trọng tài có giá trị ràng buộc cao hơn so với kiến nghị của hòa giải viên. Bởi, phán quyết của trọng tài có thể được thực hiện thông qua cơ quan thi hành án dân sự, còn kiến nghị của hòa giải viên thì không có cơ quan nào cưỡng chế thi hành.
- Trọng tài có thể giải quyết được triệt để vấn đề, còn hòa giải có thể không thể giải quyết được hết các vấn đề tranh chấp giữa các bên. Bởi tính chất của phán quyết trọng tài là để giải quyết vấn đề, còn kiến nghị của hòa giải viên chỉ mang tính chất tham khảo, thỏa thuận thống nhất giữa các bên, do đó có thể có những vấn đề mà các bên không thể đưa ra ý kiến chung và dẫn tới tranh chấp không được giải quyết hoàn toàn.
Nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với hòa giải
- Chi phí giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lớn hơn rất nhiều so với sử dụng phương thức hòa giải. Bởi đối với hòa giải, hòa giải viên có thể là cá nhân độc lập có uy tín, còn đối với trọng tài, trọng tài viên trực thuộc các trung tâm trọng tài,.. Và việc thuê cá nhân độc lập sẽ tiết kiệm hơn so với việc thuê thành viên của một tổ chức.
- Thời gian, địa điểm, thủ tục tiến hành hòa giải linh hoạt hơn so với trọng tài. Với những vấn đề trên, cả hai phương thức các bên tranh chấp đều được tự do thỏa thuận, tuy nhiên, đối với trọng tài thì vẫn phải tuân theo lịch trình của Hội đồng trọng tài, còn đối với hòa giải thì chỉ cần phù hợp với lịch trình của các bên tranh chấp.
Ưu điểm, nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với tòa án
Ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với tòa án
- Thủ tục, thời gian giải quyết tranh chấp bằng trọng tài linh hoạt hơn so với tòa án. Bởi các vấn đề này, nếu giải quyết bằng tòa án thì phải tuân theo các thủ tục đã được định sẵn và buộc phải tuân theo quy định của pháp luật, còn giải quyết bằng trọng tài thì các bên có thể thỏa thuận với nhau.
- Thời gian giải quyết bằng trọng tài nhanh hơn so với giải quyết bằng Tòa án. Bởi trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp một lần, còn giải quyết bằng Tòa án thì có cơ chế kháng cáo khiến thời gian để giải quyết vấn đề bị kéo dài.
- Do cơ chế xét xử kín nên các bí mật kinh doanh, chữ tín của các bên tranh chấp vẫn có thể giữ được, khác với xét xử công khai của Tòa án, những thông tin này của các bên tranh chấp có thể bị lộ ra, gây ra thiệt hại lớn cho các bên.
Nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với tòa án
- Chi phí giải quyết tranh chấp của Trọng tài thường cao hơn so với giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Bởi trọng tài là tổ chức phi chính phủ có sự tự chủ về tài chính, khác với Tòa án là cơ quan nhà nước được nhà nước hỗ trợ nhiều chi phí xét xử.
- Trọng tài không có thẩm quyền xét xử đương nhiên, chỉ khi các bên thỏa thuận lựa chọn và thỏa thuận này là hợp lệ thì trọng tài mới được tham gia giải quyết vụ việc. Trong khi đó, chỉ cần thuộc vào thẩm quyền giải quyết của tòa án, dù các bên không thỏa thuận thì tòa án vẫn được xét xử vụ án.
Bên cạnh những nhược điểm, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng có những ưu điểm nhất định. Nhìn chung, đây vẫn là một phương thức hữu hiệu mà quý khách hàng nên lựa chọn khi xảy ra tranh chấp mà việc giải quyết bằng các hình thức khác không đạt hiệu quả.
Quý khách hàng có bất vướng mắc về các phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE qua điện thoại, Zalo hoặc gửi email để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!