Hiện nay, tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp phổ biến và có tính chất phức tạp. Việc giải quyết tranh chấp đất đai là biện pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đồng thời giúp tìm ra giải pháp đúng đắn trên cơ sở quy định pháp luật nhằm giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn của các quan hệ đất đai. Vậy nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu thì pháp luật có quy định như thế nào về giải quyết tranh chấp đất đai lần hai. Sau đây, LAW FOR LIFE sẽ cung cấp những thông tin pháp lý liên quan đến thủ tục trên.
Căn cứ pháp lý
- Luật Đất đai năm 2013, được sửa đổi bổ sung năm 2018.
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, được sửa đổi, bổ sung tại từng thời điểm.
Giải quyết tranh chấp đất đai
Khái niệm
Theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Giải quyết tranh chấp đất đai có thể được hiểu là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn giữa các chủ thể trong quan hệ đất đai nhằm tìm ra giải pháp đúng đắn trên cơ sở quy định pháp luật. Sau khi giải quyết tranh chấp đất đai, cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định để các bên thi hành.
Thẩm quyền giải quyết
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ minh chứng cho quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết.
Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh theo thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai;
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Giải quyết tranh chấp đất đai lần hai
Giải quyết tranh chấp đất đai lần hai có thể được hiểu là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai khi tranh chấp đó đã được giải quyết lần đầu nhưng các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu. Nội dung này được quy định cụ thể tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể:
Thời hiệu
Theo quy định mới tại Điều 90a Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thì sau khi nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của người có thẩm quyền mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết thì phải gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lần hai đến người có thẩm quyền.
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu; 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.
Thẩm quyền giải quyết
- Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
- Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Thủ tục giải quyết
Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
Theo Điều 89 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi 01/2017/NĐ-CP, Nghị đinh 62/2019/NĐ-CP, Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì thủ tục này được tiến hành như sau:
Bước 1: Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.
Bước 3: Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ tham tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 4: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Theo Điều 90 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi 01/2017/NĐ-CP, Nghị đinh 62/2019/ Đ-CP, Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì thủ tục này được tiến hành như sau:
Bước 1: Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bước 2: Sau khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công đơn vị có chức năng tham mưu giải quyết. Đơn vị được phân công giải quyết tiến hành thu thập, nghiên cứu hồ sơ; tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp.
Trường hợp cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập đoàn công tác để tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc tại địa phương; hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 3: Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành được gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Hiệu lực thi hành quyết định giải quyết tranh chấp
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp lần hai; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không quá 45 ngày thì quyết định giải quyết tranh chấp lần hai có hiệu lực thi hành.
Phân biệt giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu và lần hai
Giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu | Giải quyết tranh chấp đất đai lần lần hai | |
Căn cứ giải quyết | Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tranh chấp đất đai đó đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành. | Khi tranh chấp đó đã được giải quyết lần đầu nhưng các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu.
|
Thẩm quyền | Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ minh chứng cho quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết. Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
|
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
|
Hiệu lực | Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu hoặc không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành. | Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không quá 45 ngày thì quyết định giải quyết tranh chấp lần hai có hiệu lực thi hành. |
Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của LAW FOR LIFE
- Tư vấn pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai;
- Thu thập tài liệu, soạn thảo văn bản, tổng hợp hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai;
- Đại diện cho khách hàng, tham gia bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai;
- Liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình giải quyết;
- Giải đáp những thắc mắc trong quá trình giải quyết.
Quý khách hàng thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai, tư vấn pháp luật đất đai xin vui lòng liên hệ đến LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất!