Ngày 31/12/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Vậy, các quy định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại thông tư này có điểm gì nổi bật, hãy cùng LAW FOR LIFE tìm hiểu theo bài viết dưới đây.
Những thông tin cơ bản về Thông tư 32/2023/TT-BYT hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
- Số kí hiệu: 32/2023/TT-BYT.
- Ngày ban hành: 31/12/2023
- Ngày bắt đầu hiệu lực: 01/01/2024.
- Loại văn bản: Thông tư.
- Cơ quan ban hành: Bộ Y tế.
- Người ký: Trần Văn Thuấn.
Điểm nổi bật ở Thông tư 32/2023/TT-BYT hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Phạm vi điều chỉnh
Theo Điều 1 Thông tư 32/2023/TT-BYT hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh, phạm vi điều chỉnh được quy định như sau:
- Cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 14 Điều 2 và khoản 4 Điều 22 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023. Cụ thể,
- Phạm vi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh chuyên môn quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023.
- Mẫu giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 5 Điều 27 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023.
- Thừa nhận tiêu chuẩn chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài ban hành quy định tại điểm d khoản 1 và khoản 4 Điều 57 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
- Hồ sơ bệnh án và bản tóm tắt hồ sơ bệnh án quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023.
- Trực khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
- Tiêu chuẩn và việc khám sức khỏe quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023.
- Thực hành tốt thứ kỹ thuật mới, phương pháp mới hoặc thử thiết bị y tế trên lâm sàng quy định tại điểm d khoản 4 Điều 99 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023.
- Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng chuyên môn và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp khi xảy ra tại biến y khoa quy định tại khoản 6 Điều 101 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023.
- Huy động, điều động, phân công nhiệm vụ đối với các đối tượng tham gia khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp quy định tại khoản 4 Điều 115 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023.
Thời gian cập nhật kiến thức y khoa
Theo Điều 3 của Thông tư này, từ ngày 01/01/2024, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 05 năm liên tục.
Các hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục được quy định tại các Điều 4, 5, 6 và Điều 7 Thông tư 32/2023/TT-BYT, bao gồm:
- Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về y khoa do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có thẩm quyền cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận.
- Tham gia hội nghị, hội thảo, hội thi về y khoa.
- Xuất bản bài báo trên tạp chí khoa học chuyên ngành y khoa.
- Tham gia nghiên cứu khoa học về y khoa.
Bên cạnh đó, việc quy đổi sang giờ tín chỉ của các hình thức cập nhật kiến thức y khoa được quy đổi sang giờ tín chỉ theo Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT. Đối với việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục do cơ sở nước ngoài tổ chức, việc xác nhận thời gian tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục do Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp người hành nghề tính giờ tín chỉ và cấp giấy chứng nhận theo Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT.
Nguyên tắc xác định phạm vi hành nghề của người hành nghề
Tại Điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BYT, có nêu rõ nguyên tắc xác định phạm vi hành nghề của người hành nghề như sau:
- Việc xác định phạm vi hành nghề của người hành nghề phải phù hợp với văn bằng, chứng chỉ chuyên môn liên quan đến y tế mà người đó đã được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; phù hợp với năng lực thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề theo chuyên khoa đăng ký hành nghề.
- Phạm vi hành nghề của người hành nghề bao gồm việc khám bệnh, chữa bệnh, chỉ định các phương pháp cận lâm sàng, thực hiện các phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, chuyên môn kỹ thuật, kê đơn thuốc, chỉ định các chế độ chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, đánh giá kết quả khám bệnh, chữa bệnh, tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh theo chức danh nghề nghiệp và quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tại Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BYT tương ứng với từng chức danh.
- Bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và an toàn người bệnh.
- Phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt tại đơn vị có tính đặc thù, các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, thuộc vùng kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Không phân biệt người hành nghề làm việc ở các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh và thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp nào??
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 có nêu rõ nguyên tắc đăng ký hành nghề khám chữa bệnh như sau:
“Điều 36. Nguyên tắc đăng ký hành nghề
- Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Người hành nghề được đăng ký làm việc tại một hoặc nhiều vị trí chuyên môn sau đây trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng phải bảo đảm chất lượng công việc tại các vị trí được phân công:
- a) Khám bệnh, chữa bệnh theo giấy phép hành nghề;
- b) Phụ trách một bộ phận chuyên môn;
- c) Chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây:
- a) Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
- b) Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
- c) Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
- d) Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.”
Theo đó, người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây:
- Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
- Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
- Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
- Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
- Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Về nguyên tắc trực khám bệnh, chữa bệnh
Theo Điều 43 Thông tư 32/2023/TT-BYT hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nguyên tắc trực khám bệnh, chữa bệnh được quy định như sau:
- Trực ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ phải được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh liên tục 24/24 giờ trong ngày.
- Các phiên trực phải được tổ chức chặt chẽ, có đầy đủ nhân lực, phươngtiện vận chuyển, thiết bị y tế và thuốc để cấp cứu người bệnh.
- Các vị trí trực phải bảo đảm dễ tiếp cận và đủ thông tin liên lạc.
- Người trực phải có mặt trước giờ nhận trực để nhận bàn giao của phiên trực trước và khi hết giờ phải bàn giao cho phiên trực sau, không được rời bỏ vị trí trực và phải thực hiện mệnh lệnh trực của cấp trên.
- Danh sách các thành viên trực được phân công theo tháng, lịch trực được công bố trước thời điểm trực ít nhất một tuần, do lãnh đạo bệnh viện ký duyệt và được ghi trên bảng ở mỗi vị trí trực. Công chức, viên chức, người lao động đã được phân công trực theo lịch, chỉ được thực hiện đổi trực ngang cấp khi được sự phê duyệt của lãnh đạo.
Về nội dung báo cáo tình hình phiên trực
Căn cứ theo Điều 45 Thông tư 32/2023/TT-BYT, nội dung báo cáo tình hình phiên trực cần đảm bảo như sau:
- Sau phiên trực, các bộ phận trực ghi đầy đủ nội dung báo cáo vào sổ trực; các khoa, phòng phải tổ chức giao ban để nghe báo cáo tình hình trực của các bộ phận trực: lâm sàng, cận lâm sàng, hậu cần, quản trị.
- Báo cáo trực lâm sàng phải bảo đảm báo cáo diễn biến trong phiên trực đối với các nội dung: (i) Tử vong: Ghi rõ diễn biến của người bệnh, cách xử lý, nguyên nhân,thời gian tử vong và những việc làm cụ thể sau khi người bệnh tử vong; (ii) Cấp cứu: Ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán và cách giải quyết đối vớ itừng người bệnh đến cấp cứu; (iii) Diễn biến nặng của người bệnh nội trú: Ghi rõ các diễn biến về bệnhtật, cách xử lý đối với từng người bệnh; (iv) Thuốc: Thống kê, báo cáo số lượng thuốc đã sử dụng trong phiên trực.
- Trực cận lâm sàng: Báo cáo tình hình xét nghiệm cấp cứu và kỹ thuật cận lâm sàng đã thực hiện trong phiên thường trực.
- Trực hậu cần, quản trị: Báo cáo các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Thông tư này, cụ thể: trực dược và vật tư thiết bị y tế có nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc và vận hành trang thiết bị y tế phục vụ cho kíp trực; Trực tài chính – kế toán có nhiệm vụ bảo đảm thu viện phí cho người bệnh đến khám, ra – vào viện ngoài giờ hành chính; Trực công nghệ thông tin có nhiệm vụ bảo đảm hệ thống mạng quản lý bệnh viện hoạt động bình thường; Trực điện, nước bảo đảm cho máy phát điện hoạt động khi có sự cố mất điện đột xuất; sửa chữa điện, nước hỏng bất thường; Trực hành chính phải bảo đảm thông tin liên lạc bằng điện thoại và hình thức thông tin khác (theo quy định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh); Trực bảo vệ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong bệnh viện; Trực lái xe phải bảo đảm cho xe ô tô cứu thương sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh.
- Trực lãnh đạo: Có nhận xét chung về tình hình phiên thường trực tại giao ban toàn bệnh viện.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về các quy định về pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, các nghị định sửa đổi liên quan, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.