Hiện nay, không ít tranh chấp phát sinh liên quan đến việc khi cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần do hai bên đã thỏa thuận tại hợp đồng mua bán/chuyển nhượng nhưng công ty không thực hiện. Vậy thỏa thuận mua lại cổ phần đã bán của công ty có hiệu lực không?
Thỏa thuận mua lại cổ phần đã bán của công ty có hiệu lực không?
Khi có tranh chấp xảy ra, công ty dựa vào quy định tại Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 (“Luật Doanh nghiệp”) để khẳng định chỉ có 02 trường hợp công ty mua lại cổ phần của cổ đông, ngoài các trường hợp này thì thỏa thuận khác đều không có hiệu lực.
Cụ thể:
“Điều 132. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông
- Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
- Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
Điều 133. Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty
Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây:
1.Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán trong thời hạn 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định;
2.Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường;
3.Công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty theo trình tự, thủ tục sau đây:
a) Quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức để bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Thông báo phải gồm tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại, thủ tục và thời hạn thanh toán, thủ tục và thời hạn để cổ đông bán cổ phần của họ cho công ty;
b) Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi văn bản đồng ý bán cổ phần của mình bằng phương thức để bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo. Văn bản đồng ý bán cổ phần phải có họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần sở hữu và số cổ phần đồng ý bán; phương thức thanh toán; chữ ký của cổ đông hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông. Công ty chỉ mua lại cổ phần trong thời hạn nêu trên.”
Tuy nhiên, các cổ đông công ty đã căn cứ theo quy định tại Điều 119 Luật Doanh nghiệp thì một trong những nghĩa vụ của Cổ đông phổ thông là:
“..Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần..”.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp cho phép cổ đông rút vốn trong trường hợp công ty mua lại cổ phần và không hạn chế công ty chỉ được mua lại cổ phần theo quy định tại Điều 132 và 133.
Ngoài ra, nghĩa vụ mua lại cổ phần trong hợp đồng đang có tranh chấp xuất phát từ thỏa thuận tự nguyện của các Bên.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định về Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như sau:
“2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.”
Như vậy, nếu giữa cổ đông và công ty có thỏa thuận về việc mua lại cổ phần và thỏa thuận này hoàn toàn tự nguyện, thiện chí thì có hiệu lực pháp luật. Việc công ty khẳng định thỏa thuận mua lại cổ phần không thuộc trường hợp quy định tại Điều 132 và Điều 133 Luật Doanh nghiệp nên vô hiệu là không có căn cứ.
Tại sao Luật chỉ quy định 2 trường hợp cổ đông được rút vốn?
Theo quan điểm của tác giả, Luật Doanh nghiệp hiện nay chỉ quy định duy nhất 02 trường hợp cổ đông được rút vốn là theo “yêu cầu của cổ đông” tại Điều 132 và theo “quyết định của công ty” tại Điều 133, mọi thỏa thuận khác nằm ngoài 02 trường hợp trên đều không có hiệu lực pháp luật.
Việc quy định như trên vừa là để bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong những trường hợp mà lợi ích của cổ đông bị xâm phạm nghiêm trọng bởi quyết định của công ty vừa là bảo vệ công ty trong trường hợp cổ đông yêu cầu mua lại phần vốn góp khi công ty hoạt động không hiệu quả.
Ngoài ra, việc quy định công ty có thể mua lại cổ phần theo quyết định của Hội đồng quản trị có thể phục vụ một số mục đích khác của công ty như giảm số lượng cổ đông hoặc thay đổi giá cổ phần khi giá trên thị trường có xu hướng giảm.
Mặt khác, nếu thỏa thuận mua lại cổ phần không thuộc trường hợp theo quy định Luật Doanh nghiệp thì công ty sẽ gặp những rủi ro khi không thể hoạch toán khoản tiền phải trả cho cổ đông.
Bởi lẽ việc chi trả khoản tiền mua lại cổ phần phải tuân thủ quy định tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp, theo đó công ty chỉ được phép thanh toán cổ phần mua lại khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 132 và Điều 133 và phải đảm bảo rằng sau khi thanh toán xong công ty vẫn có khả năng thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ khác.
Công ty phải thực hiện giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần đã mua lại.
Do đó, việc công ty có thỏa thuận với cổ đông về việc mua lại phần vốn góp tuy là thỏa thuận tự nguyện, thiện chí nhưng không thuộc các trường hợp được phép theo quy định của pháp luật vì vậy không có hiệu lực.
Các cổ đông và doanh nghiệp nên nắm rõ điều này khi thực hiện việc xác lập thỏa thuận hoặc giải quyết tranh chấp để đảm bảo với quyền lợi của mình có hiệu quả.
Trên đây là một số quan điểm về vấn đề: Thỏa thuận mua lại cổ phần đã bán của công ty có hiệu lực không?