Năm 2024 được xem như một năm đánh dấu một số thay đổi quan trọng trong chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) tại Việt Nam khi những quy định mới về bảo hiểm y tế có hiệu lực. Những chính sách nổi bật về bảo hiểm y tế trong năm 2024 thay đổi như thế nào, LAW FOR LIFE sẽ trình bày trong bài viết sau.
Các quy định từ Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Là cơ quan chủ trì thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Với quan điểm lấy người tham gia BHYT làm trung tâm, BHXH Việt Nam đã tập trung đề xuất nhiều giải pháp nhằm mở rộng quyền lợi, tháo gỡ vướng mắc và tăng cường quản lý quỹ BHYT.
Các đề xuất của BHXH Việt Nam, đơn cử như:
- Mở rộng quyền lợi thụ hưởng BHYT cho một số nhóm đối tượng: Điều chỉnh mức hưởng của Thanh niên xung phong; Bổ sung đối tượng tham gia BHYT được Nhà nước đóng theo quy định của Pháp lệnh người có công; Hỗ trợ người dân tộc thiểu số ở các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn….
- Tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB): Rõ ràng hóa quy định về thanh toán chi phí KCB cho người tham gia BHYT đi KCB tại cơ sở y tế ngoài phạm vi tuyến; Quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB kỹ thuật cao, chi phí KCB mắt…
- Tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng quỹ BHYT: Nâng cao hiệu quả thanh toán chi phí KCB; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ BHYT…
Nhờ sự chủ động, tích cực của BHXH Việt Nam, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã được ra đời với nhiều điểm mới, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT, hướng đến mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT và cân đối, an toàn quỹ BHYT.
Về bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT.
Theo điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế, đã bổ sung hai nhóm đối tượng được hỗ trợ về BHYT từ ngân sách nhà nước (NSNN).
- Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng (ATK): Nhóm này được NSNN đóng BHYT đầy đủ.
- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025: Nhóm này được NSNN hỗ trợ đóng BHYT tối thiểu 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023.
Có thể thấy, việc hỗ trợ BHYT mang ý nghĩa quan trọng với hai nhóm đối tượng này. Cụ thể, với việc hỗ trợ nói trên có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT; Góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT; thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.
Việc NSNN tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo cho thấy sự quan tâm của Chính phủ trong việc giúp người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và hướng tới mục tiêu toàn dân có BHYT.
Về thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo khoản 6 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, trường hợp không xuất trình được thẻ BHYT có ảnh khi đi khám chữa bệnh thì có thể thay bằng CCCD hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức 2 theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP.
Đối với người đã điều trị trước ngày Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực nhưng ra viện từ ngày Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực thì được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế 2008, theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, g và h khoản 1, các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP.
Do đó, khi đi khám chữa bệnh có thể dùng căn cước công dân hoặc tài khoản định danh thay cho thẻ BHYT theo quy định của pháp luật.
Về cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội.
Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 75/2023/NĐ-CP đã quy định Bãi bỏ các khoản 4, 5 và 6 Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Cụ thể, Nghị định đã:
- bãi bỏ về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT. Thay vì áp dụng mức giới hạn chi phí, Nghị định mới thực hiện thanh toán theo giá dịch vụ.
- giao dự toán chi phí KCB BHYT cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Việc này giúp đảm bảo nguồn lực cho hoạt động KCB BHYT và kiểm soát chi phí hiệu quả hơn.
- thực hiện thông báo số dự kiến chi KCB BHYT tới cơ sở KCB để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí KCB BHYT trong năm nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.
Việc thay đổi cơ chế thanh toán chi pí KCB BHYT được kỳ vọng sẽ giải quyết các bất cập trong quy định cũ: Loại bỏ tình trạng chi phí KCB hợp pháp bị cắt giảm do vượt tổng mức thanh toán. Tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT: Giúp các cơ sở KCB và cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp hiệu quả hơn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở KCB: Giúp các cơ sở KCB tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT: Đảm bảo người bệnh được KCB đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.
Thẻ Bảo hiểm y tế được tích hợp vào thẻ căn cước.
Theo Điều 22 Luật Căn cước 2023 quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước:
“Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp
- Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa. Thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
- Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp…”
Có thể thấy, bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, thông tin thẻ BHYT sẽ được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân theo đề nghị của người dân. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, mang lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý BHYT.
Việc tích hợp thông tin BHYT vào thẻ Căn cước đồng nghĩa với việc người dân có thể sử dụng thẻ Căn cước để:
- Khám, chữa bệnh: Thay vì phải mang theo thẻ BHYT riêng, giờ đây bạn chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước để trình bày khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
- Thực hiện các thủ tục về BHYT: Việc tra cứu thông tin, tham gia các chương trình hỗ trợ, thanh toán viện phí… liên quan đến BHYT cũng có thể được thực hiện dễ dàng bằng thẻ Căn cước.
Người dân có nhu cầu tích hợp thông tin BHYT vào thẻ Căn cước có thể thực hiện theo hai cách:
- Khi có nhu cầu: Liên hệ trực tiếp với cơ quan công an để đề nghị tích hợp thông tin.
- Khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước: Thông tin BHYT sẽ được tích hợp tự động vào thẻ Căn cước mới.
Quy định về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyến xã, huyện
Căn cứ vào Điều 8 Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định về Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã, tuyến huyện như sau:
“Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (sau đây gọi tắt là khám bệnh, chữa bệnh ban đầu) tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.”
Trong đó, tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 40/2015/TT-BYT đã liệt kê các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã và tương đương, tuyến huyện và tương đương. Như vậy, theo quy định tại Điều 8 Thông tư 40/2015/TT-BYT, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) có quyền đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện mà không phân biệt địa giới hành chính. Việc lựa chọn cơ sở đăng ký cần phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế đó.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về các quy định về pháp luật về bảo hiểm y tế, luật y tế, các nghị định sửa đổi liên quan, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.