Ngày 27/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn lựa chọn nhà thầu. Nghị định được ban hành với mục đích cụ thể hóa các quy định của Luật Đấu thầu 2023, giúp các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình đấu thầu nắm rõ và tuân thủ đúng các quy trình, nguyên tắc, cũng như các yêu cầu liên quan. LAW FOR LIFE sẽ khái quát các điểm mới của Nghị định này trong bài viết dưới đây.
Những thông tin cơ bản về Nghị định 24/2024/NĐ-CP
- Ngày ban hành: 27/02/2024
- Ngày có hiệu lực: 27/02/2024
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Toàn văn nghị định:
Những điểm đáng lưu ý tại Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn lựa chọn nhà thầu năm 2024
Phạm vi áp dụng
Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, Nghị định đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các nguồn vốn khác mà pháp luật quy định phải thực hiện đấu thầu. Điều này thể hiện sự linh hoạt và bao quát hơn trong việc quản lý các nguồn vốn, không chỉ giới hạn ở các dự án sử dụng vốn nhà nước và ODA. So với Nghị định 63/2014/NĐ-CP chỉ áp dụng cho các dự án sử dụng vốn nhà nước, vốn vay và viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi.
Nhận thấy, sự mở rộng tại Nghị định 24/2024/NĐ-CP đã giúp quản lý chặt chẽ hơn các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo mọi nguồn vốn đều được sử dụng minh bạch và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng các dự án đầu tư.
Trong đấu thầu y tế
Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn lựa chọn nhà thầu có nhiều điều chỉnh quan trọng trong việc lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực y tế, nhằm giải quyết các vướng mắc và bất cập trong quá trình đấu thầu. Một số điểm mới đáng chú ý bao gồm:
- Cho phép lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu. Trước đây, một gói thầu thường chỉ có một nhà thầu trúng thầu, dẫn đến rủi ro khi nhà thầu không thể thực hiện hợp đồng. Nay, Nghị định 24/2024/NĐ-CP cho phép lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu để đảm bảo rằng nếu nhà thầu xếp hạng cao nhất không thể cung cấp, chủ đầu tư có thể ký hợp đồng ngay với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.
- Quy định rõ về chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách: Để đảm bảo các bệnh viện có thể mua ngay được thuốc trong các trường hợp cấp bách như cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, Nghị định cho phép chỉ định thầu mà không cần thực hiện thủ tục đấu thầu thông thường, giúp tiết kiệm thời gian (quy định tại Điều 94 Nghị định 24/2024/NĐ-CP).
- Cho phép lựa chọn báo giá cao nhất: Trong lĩnh vực y tế, trường hợp có nhiều hơn một báo giá, chủ đầu tư được phép chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn để làm giá gói thầu, thay vì chỉ lấy giá trị trung bình của các báo giá (quy định điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định 24/2024/NĐ-CP).
- Khắc phục tình trạng thiếu thuốc đấu thầu tập trung: Nghị định cũng quy định rằng, trong trường hợp đấu thầu tập trung nhưng chưa chọn được nhà thầu hoặc thỏa thuận khung hết hiệu lực, bệnh viện có thể mua sắm theo thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung trong thời gian tối đa 12 tháng và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng giá hợp đồng (quy định tại khoản 2 Điều 94 Nghị định 24/2024/NĐ-CP).
Những điều chỉnh kể trên được kỳ vọng sẽ tạo ra sự linh hoạt, chủ động cho các bệnh viện trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ y tế công cộng.
Quy định về chi phí trong lựa chọn nhà thầu
Điều 12 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về chi phí trong lựa chọn nhà thầu có nhiều điểm mới và thay đổi so với Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Dưới đây là một số điểm thay đổi chính:
Chi phí lập và thẩm định hồ sơ
Với Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn lựa chọn nhà thầu, chi phí lập hoặc thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 3 Điều 12 với nội dung tính bằng 0,5% chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng tối thiểu là 5 triệu đồng và tối đa là 40 triệu đồng. Các chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính theo tỷ lệ phần trăm giá gói thầu với mức tối thiểu và tối đa cụ thể.
Trong khi đó, với Nghị định tiền nhiệm trước, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, thì các chi phí này cũng được quy định theo tỷ lệ phần trăm nhưng không có mức tối thiểu và tối đa cụ thể như trong Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về mức phí duy trì là 330.000 đồng cho một năm (bao gồm thuế giá trị gia tăng), áp dụng từ năm thứ hai sau năm đăng ký (quy định tại điểm a khoản 11 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP). Trước đó, Nghị định 63/2014/NĐ-CP không có quy định cụ thể về chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Chi phí giải quyết kiến nghị
Về giải quyết kiến nghị được quy định tại khoản 8 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị được tính theo tỷ lệ phần trăm so với giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị, với các mức tỷ lệ khác nhau tùy theo giá trị dự thầu. Khác với Nghị định 63/2014/NĐ-CP cũng có quy định chi phí giải quyết kiến nghị nhưng không có tỷ lệ cụ thể và chi tiết như Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Chi phí nộp hồ sơ dự thầu
Về vấn đề chi phí nộp hồ sơ dự thầu, theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, tiền bán bản điện tử hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được quản lý và sử dụng theo cơ chế tài chính của chủ đầu tư nếu gói thầu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Nghị định tiền nhiệm lại không có quy định rõ ràng về quản lý và sử dụng tiền bán bản điện tử hồ sơ mời thầu.
Nhìn chung, các quy định đã trình bày ở trên được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Tiêu chí đánh giá năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư
Căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, việc đánh giá năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư để thực hiện hoạt động đấu thầu bao gồm các nội dung sau:
Năng lực thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu
Chủ đầu tư phải có khả năng thực hiện từ bước lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu (nếu có) đến việc quản lý hợp đồng một cách hiệu quả. Điều này bao gồm việc đảm bảo rằng tất cả các giai đoạn của quy trình đấu thầu được thực hiện một cách chuyên nghiệp và tuân thủ quy định.
Kết quả thực hiện công tác đấu thầu
Các chỉ tiêu đánh giá bao gồm:
- Tỷ lệ tiết kiệm trung bình.
- Số lượng nhà thầu trung bình tham gia các hình thức đấu thầu khác nhau như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường.
- Tỷ lệ gói thầu chỉ có một nhà thầu tham dự trên tổng số gói thầu.
- Tỷ lệ gói thầu có kiến nghị về hồ sơ mời thầu.
- Tỷ lệ gói thầu có kiến nghị về các nội dung khác trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Số lần không trả lời yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu, không trả lời kiến nghị về hồ sơ mời thầu và các nội dung khác trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự
Bao gồm việc xử lý kiến nghị trong lựa chọn nhà thầu, khiếu nại, tố cáo và các vấn đề phát sinh khác. Điều này đảm bảo rằng chủ đầu tư có kinh nghiệm thực tiễn trong việc quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình đấu thầu.
Các yếu tố khác
Ngoài những yếu tố chính nêu trên, còn có các yếu tố bổ sung khác nếu có, nhằm cung cấp một đánh giá toàn diện về năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư.
Việc đánh giá này giúp đảm bảo rằng chủ đầu tư có đủ khả năng thực hiện các dự án một cách hiệu quả và minh bạch, từ đó nâng cao chất lượng và sự cạnh tranh trong quá trình đấu thầu.
So với Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Nghị định 24/2024/NĐ-CP có nhiều điểm mới và cải tiến. Các tiêu chí tài chính được nâng cao với việc áp đặt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo tình hình tài chính của nhà đầu tư vững mạnh hơn. Việc đánh giá nguồn nhân lực cũng trở nên chi tiết hơn với trọng tâm vào trình độ và kinh nghiệm của các nhân sự chủ chốt.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về các quy định pháp luật đấu thầu, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, các nghị định sửa đổi liên quan, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.