Ngày 05/03/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Thông tin cơ bản của Nghị định 08/2023/NĐ-CP
Những thông tin cơ bản về Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế bao gồm:
Ngày ban hành | 05/03/2023 |
Ngày có hiệu lực | 05/03/2023 |
Toàn văn Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế:
Tải văn bản: Nghị định 08/2023/NĐ-CP
Nội dung Nghị định 08/2023/NĐ-CP
Sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế
Trách nhiệm thanh toán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Nghị định 153/2020/NĐ-CP chỉ dừng lại ở việc quy định trách nhiệm thanh toán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là thanh toán đầy đủ, đúng hạn cả lãi và gốc khi đến hàn và phải thực hiện cả những quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu căn cứ theo điều kiện của trái phiếu.
Tuy nhiên Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã có sự sửa đổi bổ sung rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với trái chủ để thanh toán nợ gốc lãi đến hạn bằng tài sản khác nếu được trái chủ chấp thuận. Cụ thể là doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn phải thanh toán đầy đủ và đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có), tuy nhiên trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đúng hạn, đầy đủ đối với các trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước thì doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để có thể thanh toán bằng tài sản khác, nhưng phải tuân theo các nguyên tắc sau:
- Không làm trái quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
- Phải có sự chấp thuận của người sở hữu trái phiếu.
- Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Quy định này được đưa ra nhằm cung cấp thêm 1 hướng xử lý mới cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang gặp khó khăn trong việc thanh toán trái phiếu đến hạn. Là một giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa thể thanh toán bằng tiền mặt. Đồng thời nó phù hợp và có lợi cho các doanh nghiệp có tài sản như chứng khoán, bất động sản đã hình thành, đầy đủ pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng.
Tuy nhiên, trong thực tế, khi thực hiện quy định này có thể phát sinh những hạn chế nhất định liên quan đến sự phụ thuộc vào quan điểm về giá trị tài sản bảo đảm, hay sự bất bình đẳng giữa các trái chủ (trái chủ trái phiếu đến hạn sớm có cơ hội lựa chọn tài sản tốt hơn trái chủ của các trái phiếu đến hạn sau).
Thay đổi điều kiện điều khoản trái phiếu
Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể xin ý kiến trái chủ để thay đổi điều kiện điều khoản trái phiếu. Trong đó, nội dung được nhấn mạnh là thay đổi kỳ hạn trái phiếu thêm tối đa 2 năm. Cụ thể việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị Định.
- Trong trường hợp kéo dài thời hạn của trái phiếu thì thời gian không được quá 02 năm so với kỳ hạn tịa phướng án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
- Cuối cùng, nếu người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trong trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm đề ra giải pháo tháo gỡ cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang gặp khó khăn với các khoản trái phiếu đến hạn. Tuy nhiên, theo thông lệ (tùy thuộc vào điều kiện, điều khoản của từng trái phiếu), đối với việc sửa đổi các điều kiện liên quan đến thanh toán như kỳ hạn, lãi suất, thường phải cần tỷ lệ rất cao trái chủ đồng thuận (có thể đến 100%). Vậy nên vẫn sẽ còn khó khăn trong việc gia hạn đối với các trái phiếu có số lượng trái chủ lớn.
Ngưng thi hành quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Theo quy định hiện hành thì chỉ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới có thể mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp bằng Việt Nam đồng (ngoại trừ các nhà đầu tư chiến lược đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu có chứng quyền).
Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thể nhân, theo đó cá nhân đó phải đáp ứng điều kiện: nắm giữ chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định theo giá trị thị trường bình quân hàng ngày của danh mục chứng khoán trong thời hạn ít nhất 180 ngày liên tục ngay trước ngày ngày xác định đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ngoài ra, trạng thái nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp của cá nhân trên chỉ có hiệu lực trong 3 tháng. Có thể thấy, quy tắc mới này nghiêm ngặt hơn quy tắc của luật chứng khoán mà Nghị định 153/2020/NĐ-CP áp dụng (không bắt buộc 180 ngày liên tục và hiệu lực trang thái trong một năm).
Nghị định 65 hạn chế việc bán trái phiếu cho nhà đầu tư không phải là PSI hoặc góp vốn đầu tư chung vào trái phiếu với nhà đầu tư không phải là PSI dưới mọi hình thức. Khi bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp, bên bán phải công bố đầy đủ cho bên mua tất cả các thông tin công bố mà tổ chức phát hành đã cung cấp trước đó theo quy định tại Nghị định 65 này.
Tuy vậy, cho đến hết năm 2023, nhận ra sự bất cập của điều khoản này trong thực tiễn đã làm chậm sự phát triển của thị trường trái phiếu đơn lẻ, chính phủ đã tạm thời ngưng hiệu lực của quy định mới của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về ác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thể nhân đến hết năm 2023. Theo đó, khoản thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2023, các cá nhân đầu tư chứng khoán có thời gian để thích nghi với quy định mới để trả thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thể nhân.
Có thể thấy, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng theo trình độ phát triển của thị trường tùy từng giai đoạn về cách sàng lọc nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như các chính sách điều chỉnh khác. Việc áp dụng các thay đổi quá nhanh và đột ngột có thể dẫn đến đứt gãy trên thị trường gây ra những thiệt hại hạn chế không đáng có.
Đồng thời, về lâu dài thì nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng cần được xác định chủ yếu là những nhà đầu tư tổ chức và một số ít cá nhân hoạt động chuyên nghiệp trên thị trường tài chính hoặc có tài sản lớn. Tuy nhiên, trước khi điều chỉnh tiêu chí sàng lọc đến mục tiêu đó, cần phải tạo ra được các kênh đầu tư khác phù hợp để nắn dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân như phát triển các quỹ đầu tư hay mở rộng kênh phát hành trái phiếu ra công chúng. Điều này sẽ đem đến quá trình chuyển dịch của thị trường diễn ra mượt mà hơn, không gây sốc cho các chủ thể tham gia.
Ngưng thi hành một số quy định khác
Nghị định 08/2023/NĐ-CP cũng ngưng thi hành đến hết năm 2023 đối với một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP liên quan đến:
- Thời gian phân phối trái phiếu (khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2020/NĐ-CP);
- Yêu cầu xếp hạng tín nhiệm (điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CPđược sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP).
Việc cho phép ngưng thi hành để nới lỏng về điều kiện với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm giúp khả năng phát hành mới trái phiếu trong năm 2023 cao hơn. Điều đó cũng cho thấy những nỗ lực của Chính phủ để gỡ khó cho thị trường doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong ngắn hạn. Tuy vậy, để các quy định mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn thì vẫn cần có thêm những hướng dẫn từ phía các cơ quan quản lý để các bên có thể đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất và hiệu quả nhất.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.