Nhà là của bà nội. Bà nội mất không có di chúc. Bố là người thừa hưởng duy nhất. Bố mất đi năm 1990 cũng không để lại di chúc.
Cuối năm 1999 hợp thức hóa được ngôi nhà (cũ) của bà nội, khai nhận thừa kế di sản từ bà nội qua lại bố, nay bố mất. Mẹ và 5 con trai thừa hưởng di sản này. Việc khai nhận di sản thừa kế được niêm yết. Không có khiếu nại.
Năm 2000 chúng tôi cùng nhau xây cất ngôi nhà lại mới (trên nền đất cũ).
Mẹ mất năm 2012. Cũng không có di chúc để lại. Năm 2014 nhà xây lại mới được hợp thức hóa, được cấp GCHQSDD QSH nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Các con trai khai nhận thừa kế. Ngôi nhà hiện là sở hữu chung của các con trai.
Khi trước, bố có cùng bà vợ hai (không hôn thú) 4 người con gái. Không có tên của bố trên giấy khai sanh của các con gái này.
Bây giờ 4 người con gái muốn được chia phần trên ngôi nhà thừa kế.
Các câu hỏi của tôi như sau:
1) Khả năng khởi kiện, nhờ tòa án giải quyết có không?
2) Phần được chia của 4 người con gái này như thế nào (Mẹ của họ cũng đã qua đời)
Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, LAW FOR LIFE xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về khởi kiện chia di sản thừa kế
Căn cứ Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định các trường hợp trả lại đơn khởi kiện, không quy định trường hợp trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết nên Tòa án sẽ thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
Để giải quyết trường hợp sau khi chia xong di sản mới xuất hiện người thừa kế mới, Điều 687 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo đó, sau khi anh chị em bạn đã phân chia di sản của cha mẹ bạn để lại mà người con riêng của bố bạn xuất hiện đòi quyền thừa kế và người con này được pháp luật thừa nhận thì anh chị em bạn sẽ phải thanh toán lại cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó được hưởng tại thời điểm chia thừa kế, trừ trường hợp mọi người có thỏa thuận khác.
Thứ hai về việc chia di sản thừa kế
Vì bố bạn mất không để lại di chúc nên việc hưởng thừa kế sẽ theo quy định của pháp luật dân sự về hưởng thừa kế theo pháp luật. Cụ thể Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về những người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Như vậy vì bố bạn và người vợ hai không được pháp luật công nhận là vợ chồng nên sẽ không được hưởng thừa kế di sản của bố bạn. Tuy nhiên, 2 người con riêng của bố bạn sẽ có quyền được hưởng di sản từ người cha của mình.
Theo quy định thì thì những người thừa kế theo pháp luật sẽ là vợ và các con của ông sẽ được nhận các phần di sản bằng nhau. Như vậy, giá trị của căn nhà chia đều cho 10 người, mỗi người con gái sẽ nhận được 1/10 giá trị ngôi nhà. Mẹ của bạn đã mất năm 2012 nên phần thừa kế của mẹ sẽ được chia đều cho 5 người con trai.