Khi có tranh chấp lao động xảy ra, ngoài việc giải quyết tại Tòa án thì người lao động và người sử dụng lao động còn có thể giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên trên thực tế, phương thức này vẫn chưa phát huy được tối đa giá trị của nó. Thông qua bài viết sau đây, LAW FOR LIFE sẽ cung cấp một cách tổng thể các thông tin về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lao động, giúp cho người đọc có thể cân nhắc và lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp với mình.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Lao động 2019;
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 35/2022/NĐ-CP.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lao động tại Việt Nam
Tranh chấp lao động
Tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động. Tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc nội quy nội bộ của doanh nghiệp.
Theo Khoản 1, Điều 79, Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động được phân loại thành tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể:
- Tranh chấp lao động cá nhân: là tranh chấp phát sinh giữa một người lao động hoặc một nhóm người lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích phát sinh từ quan hệ lao động giữa họ.
- Tranh chấp lao động tập thể: là tranh chấp phát sinh giữa một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau về quyền và lợi ích phát sinh từ quan hệ lao động hoặc quan hệ của các tổ chức đại diện người lao động.
Tranh chấp lao động có thể xảy ra giữa các chủ thể sau:
- Giữa người lao động với người sử dụng lao động.
- Giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Tranh chấp lao động có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên tranh chấp, hoạt động của doanh nghiệp và sự ổn định xã hội.
Trọng tài lao động
Trọng tài lao động là phương thức giải quyết tranh chấp lao động mà theo đó bên thứ ba có tính chất đặc định, đưa ra phán quyết mang tính chất quyết định cuối cùng về phương án giải quyết tranh chấp. Với tư cách là bên thứ ba, Hội đồng trọng tài sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp lao động dựa trên cơ sở các nguyên tắc nhất định theo sự thỏa thuận hợp pháp của các bên tranh chấp hoặc theo quy định của pháp luật.
Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập với nhiệm kỳ 05 năm, bao gồm các Trọng tài viên được bổ nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trong đó:
- Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm trọng tài viên lao động, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
- Thư ký Hội đồng là công chức Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm trọng tài viên lao động, là thường trực của Hội đồng, làm việc theo chế độ chuyên trách;
- Thành viên khác của Hội đồng là các trọng tài viên lao động còn lại, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động
Căn cứ Điều 187 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, Hòa giải viên lao động;
- Thứ hai, Hội đồng trọng tài lao động;
- Thứ ba, Tòa án nhân dân.
Theo đó, Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Tòa án nhân dân là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Căn cứ Điều 191 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể, cụ thể:
- Thứ nhất, Hòa giải viên lao động;
- Thứ hai, Hội đồng trọng tài lao động;
- Thứ ba, Tòa án nhân dân.
Theo đó, Hội đồng trọng tài lao động được bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thay thế cho thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định trước đây
Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lao động
Bước 1: Tiến hành hòa giải tại Hòa giải viên lao động
Theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động thì các tranh chấp lao động trước khi yêu cầu hội đồng trọng tài lao động và toà án giải quyết đều phải giải quyết thông qua hoà giải tại hoà giải viên lao động.
Tuy nhiên, đối với một số loại tranh chấp lao động cá nhân nhất định có ảnh hưởng trực tiếp, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người lao động, cần giải quyết dứt điểm hay do đặc thù riêng của tranh chấp thì không bắt buộc phải qua thủ tục hoà giải. Các tranh chấp này cụ thể là:
- Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Thời hiệu cho các bên yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng đối với yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải.
Bước 2: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài
Trường hợp tranh chấp không bắt buộc phải qua hoà giải; Hết thời hạn hoà giải mà không tiến hành hoà giải; Hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thoả thuận trong biên bản hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết.
Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp được nộp tại Hội đồng trọng tài lao động tỉnh (thành phố) nơi công ty đặt trụ sở chính.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
- Sau khi tiếp nhận đơn và chấp nhận hồ sơ hợp lệ, Hội đồng trọng tài lao động tỉnh sẽ ra quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp.
- Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài
Khác với tố tụng tòa án khi giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Bộ luật Lao động áp dụng để giải quyết tất cả các vụ việc trong lĩnh vực dân sự nói chung, thủ tục trọng tài áp dụng cho các tranh chấp thuộc lĩnh vực lao động đơn giản hơn, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp.
- Việc được quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho phép các bên lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế.
- Thẩm quyền của hội đồng trọng tài được thiết lập dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước, phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lao động của LAW FOR LIFE
- Tư vấn trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài;
- Đại diện theo ủy quyền của khách hàng làm việc với cơ quan có thẩm quyền;
- Theo dõi xử lý các thông báo của cơ quan có thẩm quyền;
- Cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật lao động thường xuyên cho người lao động và người sử dụng lao động
Quý khách có nhu cầu giải quyết tranh chấp lao động, vui lòng liên hệ đến LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.