Thừa kế thế vị là một trường hợp đặc biệt của chế định thừa kế, được quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015. Thừa kế thế vị xảy ra nhiều trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khách hàng gặp phải khó khăn khi tiến hành chia tài sản thừa kế trong trường hợp này. Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, LAW FOR LIFE sẽ giúp quý khách hiểu rõ hơn quy định pháp luật Việt Nam về trường hợp này trong bài viết sau đây.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thừa kế thế vị là gì?
Căn cứ Điều 652, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Như vậy, có thể hiểu thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình (ông hoặc bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia đều di sản với những người thừa kế khác.
Phạm vi áp dụng chia tài sản thừa kế thế vị
Bản chất của thừa kế thế vị là giữ gìn và kế thừa những “phần đương nhiên” mà thế hệ trước được hưởng, trao lại cho thế hệ sau.
Phạm vi thừa kế thế vị chỉ dừng lại ở thế hệ “chắt”, tức là trong phạm vi 04 thế hệ (từ cụ đến chắt).
Điều kiện áp dụng chia tài sản thừa kế thế vị?
Các điều kiện áp dụng chia tài sản thừa kế thế vị bao gồm:
- Phải xảy ra sự kiện cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà (nội, ngoại) hoặc các cụ (nội, ngoại):
- Những người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thế vị luôn ở vị trí đời sau, tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.
- Người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
- Khi còn sống, người cha hoặc mẹ của người được thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết (nếu bị tước hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì con hoặc cháu của những người này không thể thế vị).
- Bản thân người thế vị không bị tước quyền thừa kế theo quy định của pháp luật.
Chia tài sản thừa kế thế vị
Theo quy định của pháp luật hiện hành, phần di sản mà người con được hưởng trong di sản của người để lại thừa kế nói trên là phần di sản mà bố hoặc mẹ của họ được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.
Trong quan hệ thừa kế thế vị, di sản được dịch chuyển từ người để lại di sản đến người thụ hưởng trải qua bốn thế hệ, từ các cụ đến chắt. Khi di sản dịch chuyển theo loại thừa kế này, những người liên quan đều có một tên gọi để phân biệt vị trí của từng người trong quan hệ thừa kế.
Các trường hợp áp dụng thừa kế thế vị bao gồm:
- Trường hợp cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của ông, bà.
- Trường hợp chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của cụ.
Ví dụ về chia tài sản thừa kế các trường hợp thừa kế thế vụ nêu trên:
- Ông A có 2 người con là anh B và anh C. anh B có con trai là cháu D, E con trai của D.
- B chết trước A. Như vậy, khi A chết, thì D sẽ được thừa kế thế vị hưởng tài sản của ông A (cháu thế vị cha để hưởng di sản của ông).
- B, D chết trước A. Như vậy, E sẽ được thừa kế thế vị hưởng tài sản của ông A (chắt thế vị cha để hưởng di sản của cụ).
Nghĩa vụ của người hưởng thừa kế thế vị
Người hưởng thừa kế nói chúng và người hưởng thừa kế thế vị nói riêng phải thực hiện các nghĩa vụ về tải sản do người chết để lại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại;
- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Một số câu hỏi liên quan đến chia tài sản thừa kế thế vị
Con nuôi có được chia tài sản trong trường hợp thừa kế thế vị hay không?
Căn cứ Điều 653, Bộ luật Dân sự 2015, con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế thế vị theo Điều 652, Bộ luật Dân sự. Như vậy, quy định này được hiểu rằng, con của người con nuôi sẽ được thừa kế thế vị đối với di sản của cha, mẹ nuôi.
Con riêng có được chia tài sản thừa kế thế vị hay không?
Căn cứ theo Điều 654, Bộ luật Dân sự 2015, con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế thế vị theo Điều 652, Bộ luật Dân sự.
Như vậy, có thể hiểu trường hợp con riêng và cha dượng, mẹ kế sẽ không đương nhiên được thừa kế (bao gồm thừa kế thế vị) mà phải đáp ứng điều kiện “có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con”.
Vợ có được hưởng tài sản thừa kế thế vị từ người chồng đã mất không?
Căn cứ Điều 652, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Như vậy, có thể hiểu người vợ không thuộc đối tượng được hưởng thừa kế thế vị của người chồng theo quy định của pháp luật.
Người được thừa kế thế vị có quyền từ chối hay không?
Theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, theo đó:
- Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác;
- Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết;
- Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản
Thừa kế thế vị là một trong những nội dung qua trọng của chế định thừa kế. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.