Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên sự khác biệt và thu hút khách hàng cho sản phẩm. Bảo hộ KDCN không chỉ giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong thị trường.
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có tính mới;
- Có tính sáng tạo;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Tại sao phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
- Giúp khách hàng phân biệt được sản phẩm. Kiểu dáng công nghiệp không chỉ đơn thuần chỉ là hình ảnh mang tính thẩm mỹ cao của sản phẩm mà đôi lúc nó còn nâng cao được chất lượng của sản phẩm, giúp người tiêu dùng cảm nhận được sự khác biệt khi sử dụng sản phẩm.
- Khác với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ khi đảm bảo tính mới, tính mới so với chính nó. Do đó, nếu chủ sở hữu muốn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình cần nộp đơn bảo hộ kiểu dáng trước khi đưa kiểu dáng ra thị trường, thực hiện kinh doanh công khai việc sử dụng kiểu dáng.
- Là tài sản của doanh nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp còn chính là tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, kiểu dáng công nghiệp càng thành công thì càng có giá trị cao càng cần được quản lý, kiểm soát và bảo hộ.
- Được độc quyền sử dụng. Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tối đa là 15 năm. Trong thời hạn này chủ sở hữu được độc quyền khai thác kiểu dáng nhằm mục đích thương mại (sản xuất, đưa vào lưu thông, xuất nhập khẩu sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp đó). Trong thời gian bảo hộ này, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó nếu chưa được sự cho phép của chủ sở hữu thì sẽ bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây cũng được coi là một trong những lý do vì sao cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp rất quan trọng.
- Xác lập quyền sở hữu. Chủ sở hữu cần phải tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Vì nếu đưa sản phẩm ra thị trường mà chưa tiến hành đăng ký bảo hộ thì rất dễ bị người khác bắt chước. Nếu người bắt chước đó làm thủ tục bảo hộ trước thì doanh nghiệp bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác lập quyền sở hữu đối với kiểu dáng do mình tạo ra. Cục Sở hữu trí tuệ chỉ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp duy nhất cho người nộp đơn sớm nhất trong số những người cùng nộp đơn và đối tượng đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ (nguyên tắc nộp đơn đầu tiên). Chính vì thế, khi được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thì đây chính là bằng chứng thép trong việc chứng mình quyền sở hữu đối với kiểu dáng khi có tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm.
- Cạnh tranh công bằng. Việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ khuyến khích cạnh tranh công bằng và thực hành thương mại trung thực. Với văn bằng bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp vừa có thể thu được lợi nhuận vừa có thể quảng bá sản phẩm thông qua việc Li-xăng hoặc bán kiểu dáng công nghiệp cho một doanh nghiệp khác.
Hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp gồm những tài liệu sau đây:
- Tờ khai yêu cầu cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (mẫu số 03-KDCN, Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN)
- Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp;
- Bộ ảnh chụp hoặc bộ ảnh vẽ kiểu dáng công nghiệp;
- Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
- Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);
- Tài liệu xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu, nếu đăng ký kiểu dáng công nghiệp có chứa nhãn hiệu;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Chứng từ nộp phí nộp đơn và phí công bố đơn, gồm một (1) bản.
- Bản tiếng Việt của bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, nếu trong đơn đã có bản tiếng Anh/Pháp/Nga của tài liệu đó;
- Tài liệu xác nhận quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp (nếu có);
- Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày tại triển lãm, kể cả bản dịch ra tiếng Việt.
Thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Bước 1: Chuẩn bị và phân loại kiểu dáng công nghiệp
- Khi doanh nghiệp có kiểu dáng công nghiệp muốn đăng ký bảo hộ cần lưu ý quan trọng là phải chưa sử dụng, công bố công khai kiểu dáng trên bất kỳ phương tiện nào nhằm đảo bảo tính mới của kiểu dáng khi đăng ký.
- Kiểu dáng đăng ký có thể đăng ký 1 phương án, hoặc nhiều phương án, có thể đăng ký 1 ảnh hoặc nhiều ảnh chụp của kiểu dáng dưới nhiều góc độ chụp ảnh khác nhau.
- Số phương án đăng ký càng nhiều, ảnh, hình vẽ đăng ký càng nhiều thì lệ phí nộp đơn càng tăng.
- Phân loại lớp kiểu dáng công nghiệp. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, trường hợp người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định.
Bước 2: Tra cứu kiểu dáng công nghiệp
Để đánh giá khả năng đăng ký thành công kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam cũng như tiết kiệm chi phí và thời gian, chủ đơn nên tiến hành việc tra cứu kiểu dáng công nghiệp để đánh giá khả năng bảo hộ trước khi tiến hành nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Ưu điểm tra cứu kiểu dáng công nghiệp:
- Đánh giá chính xác khoảng 80% khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp trước khi tiến hành việc nộp đơn. Điều này giúp Quý khách hàng cũng như LAW FOR LIFE có thể ước lượng được khả năng đăng ký thành công của kiểu dáng công nghiệp trước khi nộp đơn đăng ký.
- Giả sử trong trường hợp kết quả tra cứu thể hiện khả năng thành công không cao, LAW FOR LIFE sẽ cung cấp cho Quý Công ty dịch vụ tư vấn để có thể nâng cao khả năng đăng ký thành công. Trong trường hợp kết quả tra cứu thể hiện khả năng thành công cao thì việc nộp đơn lúc đó rất an toàn và chủ động nộp đơn đăng ký.
Bước 3: Nộp và tiếp nhận đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
- Đơn có thể nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
- Trường hợp đơn có đủ các tài liệu tối thiểu thì cán bộ nhận đơn tiếp nhận đơn, đóng dấu xác nhận ngày nộp đơn, số đơn vào các tờ khai;
- Trường hợp đơn thiếu một trong các tài liệu tối thiểu thì cán bộ nhận đơn từ chối tiếp nhận đơn hoặc gửi thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ từ chối tiếp nhận đơn cho người nộp đơn (nếu đơn nộp qua bưu điện).
- Trường hợp đơn được tiếp nhận, Cục Sở hữu trí tuệ trao (gửi) một bản tờ khai cho người nộp đơn trong đó có đóng dấu xác nhận ngày nộp đơn, số đơn và kết quả kiểm tra danh mục tài liệu đơn có ghi rõ họ tên, chữ ký của cán bộ nhận đơn. Tờ khai được trao (gửi) lại nói trên có giá trị thay giấy biên nhận đơn.
Bước 4: Thẩm định hình thức đơn
- Thời hạn thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
- Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, để đánh giá tính hợp lệ của đơn.
- Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ;
- Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.
- Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 5: Công bố đơn hợp lệ
- Đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
- Đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.
- Các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp gồm: các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ về mặt hình thức ghi trong quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; tên, quốc tịch của tác giả kiểu dáng công nghiệp; các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ (chuyển nhượng đơn, tách đơn, số đơn gốc của đơn tách…); bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp;
Bước 6: Thẩm định nội dung đơn
- Đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
- Thời hạn thẩm định nội dung đơn: Không quá 07 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Bước 7: Cấp văn bằng bảo hộ
- Nếu đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng đầy đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối hoặc ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng dự định từ chối.
- Nếu đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đáp ứng đầy đủ các điểu kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và người nộp đơn nộp lệ phí thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.
Quý khách hàng cần kiểm tra, đánh giá tính khả thi khi đăng ký kiểu dáng công nghiệp xin vui lòng liên hệ với LAW FOR LIFE để được hỗ trợ nhanh nhất!