Thay đổi đăng ký kinh doanh có phải quyết toán thuế không?

5/5 - (1 bình chọn)

Thay đổi đăng ký kinh doanh là thủ tục hành chính cần thiết khi doanh nghiệp muốn thay đổi một hoặc nhiều nội dung được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây là thủ tục ghi nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý đối với thông tin thay đổi của chủ thể kinh doanh. Vậy trường hợp nào thì cần thay đổi đăng ký kinh doanh? Khi thay đổi đăng ký kinh doanh có phải quyết toán thuế không? Bài viết dưới đây, LAW FOR LIFE sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này theo quy định pháp luật hiện hành.

Các trường hợp cần thay đổi đăng ký kinh doanh

Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2020 và Chương VI Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp phải thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh khi thuộc các trường hợp sau:

  • Thay đổi tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
  • Thay đổi loại hình doanh nghiệp;
  • Thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
  • Thay đổi thông tin số điện thoại, số fax; email, website công ty;
  • Thay đổi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Thay đổi vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân;
  • Thay đổi thành viên/cổ đông của doanh nghiệp;
  • Thay đổi người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp;
  • Thay đổi nội dung đăng ký thuế.

Các trường hợp không được thay đổi đăng ký kinh doanh

Theo khoản 1 Điều 65 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp không được phép thay đổi đăng ký kinh doanh khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp;
  • Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự;
  • Doanh nghiệp đang trong tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”.

Thay đổi đăng ký kinh doanh có phải quyết toán thuế không?

Căn cứ theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019; Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Thông tư 05/2020/TT-BTC quy định Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước khi thay đổi địa chỉ trụ sở sang địa bàn cấp tỉnh khác theo quy định tại Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019, gồm:

  • Nộp đầy đủ hồ sơ khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn còn thiếu theo quy định.
  • Nộp đầy đủ số tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định.
  • Đề nghị hoàn trả số tiền thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước nộp thừa (trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này).
  • Được chuyển số tiền thuế giá trị gia tăng chưa khấu trừ hết để bù trừ với số thuế giá trị gia tăng phát sinh tại cơ quan thuế nơi chuyển đến; số thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế để bù trừ với số phải nộp theo hồ sơ khai quyết toán thuế.

Như vậy, việc thay đổi đăng ký kinh doanh phải quyết toán thuế hay không sẽ phụ thuộc vào trụ sở khi thay đổi:

  • Nếu việc thay đổi không làm thay đổi cơ quan thuế quản lý thì doanh nghiệp không cần thực hiện thủ tục quyết toán thuế;
  • Nếu việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính khác tỉnh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý thì doanh nghiệp phải quyết toán thuế trước khi chuyển và đồng thời phải thực hiện các thủ tục về thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước khi thay đổi địa chỉ sang tỉnh khác.

Thủ tục về thuế khi thay đổi địa chỉ trụ sở khác tỉnh

Trước khi thay đổi địa chỉ trụ sở chính, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo pháp luật về thuế. Theo đó, doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ cho Cơ quan quản lý thuế

Doanh nghiệp chuẩn bị và tiến hành nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế tại cơ quan quản lý thuế nơi chuyển đi.

Bộ hồ sơ bao gồm:

  • Tờ khai điều chỉnh thông tin đăng ký thuế theo mẫu 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản photo không cần công chứng);
  • Giấy ủy quyền nộp hồ sơ (nếu người đại diện theo pháp luật không tự đi nộp hồ sơ);
  • Bản sao CCCD/CMND của người thay doanh nghiệp nộp hồ sơ.

Bước 2: Soạn công văn đề nghị quyết toán thuế

Sau khi đã nộp hồ sơ cho cơ quan quản lý thuế, tùy vào địa chỉ trụ sở một số chi cục thuế sẽ yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm công văn đề nghị quyết toán thuế. Do đó, khi có yêu cầu doanh nghiệp sẽ tiến hành soạn và nộp công văn đề nghị được quyết toán thuế.

Tải về

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý thuế tiến hành xem xét ra thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định.

Thời gian giải quyết: 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 4: Trả kết quả

Doanh nghiệp đến nhận công văn xác nhận hoàn tất nghĩa vụ thuế tại cơ quan quản lý thuế theo phiếu hẹn và tiến hành nộp kèm theo hồ sơ thay đổi trụ sở kinh doanh lên Sở kế hoạch và đầu tư đề tiếp tục xử lý.

Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục về thuế

  • Trường hợp thay đổi đăng ký thuế những không làm thay đổi cơ quan quản lý thuế trực tiếp thì doanh nghiệp không cần tiến hành thủ tục quyết toán thuế.
  • Đối với các số hoá đơn đặt in doanh nghiệp đã thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết, khi có sự thay đổi địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu công ty có nhu cầu sử dụng tiếp thì thực hiện đóng dấu địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức địa chỉ đã in sẵn và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp và được sử dụng ngay tại thời điểm gửi thông báo điều chỉnh cho cơ quan.

Trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thuế khi thay đổi trụ sở chính

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ về thuế khi thay đổi trụ sở được quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi sau đây:

Nộp thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp quá thời hạn từ 10 ngày đến 20 ngày, kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới hoặc bắt đầu sử dụng hóa đơn với tên mới;”

Như vậy, khi không thực hiện thông báo thay đổi trụ sở đến cơ quan thuế thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng tùy theo thời gian trễ hạn của doanh nghiệp.

Trên đây là tư vấn của LAW FOR LIFE cho câu hỏi: thay đổi đăng ký kinh doanh có phải quyết toán thuế không? Quý khách hàng có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về thay đổi đăng ký kinh doanh vui lòng liên hệ đến LAW FOR LIFE để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo Icon
Facebook Icon
Phone Icon