Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan, nhiều doanh nghiệp cần thực hiện đăng kí giảm vốn điều lệ công ty. Tuy nhiên việc giảm vốn điều lệ không phải được thực hiện trong mọi trường hợp, khi chưa tìm hiểu đầy đủ về các quy định pháp luật thì rất dễ không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Sau đây, LAW FOR LIFE sẽ phân tích quy định pháp luật liên quan đến giảm vốn điều lệ công ty trong quá trình hoạt động.
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư số 47/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
Vốn điều lệ là gì?
Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Vốn điều lệ là yếu tố không thể thiếu trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Vốn điều lệ có nghĩa ý quan trọng trong việc xác định tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu, các thành viên trong công ty. Từ đó, làm căn cứ để phân chia lợi nhuận, quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên tham gia góp vốn.
Trường hợp giảm vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên trong quá trình hoạt động
Theo Khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ công ty trong quá trình hoạt động trong các trường hợp sau:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
- Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
- Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
- Tổ chức lại công ty;
- Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu mua lại phần vốn góp của thành viên thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó và tiến hành thủ tục giảm vốn điều lệ.
Trường hợp giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên trong quá trình hoạt động
Theo Khoản 3 Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020, trong quá trình hoạt động, công ty TNHH một thành viên có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty.
Trường hợp giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần trong quá trình hoạt động
Theo Khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020, trong quá trình hoạt động, công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
- Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
- Công ty mua lại cổ phần đã bán theo yêu cầu của cổ đông:
- Theo Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.
- Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quyết định của công ty:
- Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định tại Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán trong thời hạn 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định;
So với công ty TNHH, bên cạnh việc giảm vốn điều lệ do hoàn trả vốn góp thì việc giảm vốn điều lệ trong công ty cổ phần còn được đặt ra trong trường hợp công ty mua lại cổ phần đã bán theo quyết định của công ty hoặc theo yêu cầu của cổ đông.
Trường hợp giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh trong quá trình hoạt động
Theo Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020, trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh có thể giảm vốn điều lệ thông qua việc khai trừ thành viên góp vốn khỏi công ty và chấm dứt tư cách thành viên hợp danh trong trường hợp sau đây:
- Thành viên hợp danh tự nguyện rút vốn khỏi công ty.
- Thành viên hợp danh chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty theo quy định của luật.
- Thành viên hợp danh chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật.
Cần lưu ý, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.
Đăng ký giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động
Vốn điều lệ là nội dung chủ yếu của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020. Việc giảm vốn điều lệ dẫn đến thay đổi vốn điều lệ công ty cũng như dẫn đến thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nên theo quy định tại Điều 30 của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 51 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cần phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ. Theo đó, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính.
Hồ sơ giảm vốn điều lệ
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi vốn điều lệ;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
- Báo cáo tài chính gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ (nếu cần).
- Giấy ủy quyền cho LAW FOR LIFE thực hiện thủ tục.
Cách thức thực hiện
Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho doanh nghiệp.
Lưu ý
- Trường hợp giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn.
- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
- Theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC, lệ phí đăng ký thay đổi vốn điều lệ là 50.000 đồng/lần, tuy nhiên, miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký qua mạng điện tử.
Dịch vụ của LAW FOR LIFE về giảm vốn điều lệ công ty
- Tư vấn pháp luật về trường hợp giảm vốn điều lệ, hồ sơ, thủ tục giảm vốn điều lệ công ty;
- Soạn thảo văn bản, giấy tờ, chuẩn bị hồ sơ giảm vốn điều lệ công ty;
- Đại diện theo ủy quyền, thay mặt khách hàng thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước; nhận kết quả và bàn giao cho khách hàng;
- Tư vấn các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp sau khi hoàn tất thủ tục giảm vốn điều lệ công ty;
- Hướng dẫn khách hàng viết hóa đơn, thay đổi thông tin hóa đơn đã phát hành.
Trên đây là tư vấn về giảm vốn điều lệ công ty trong quá trình hoạt động. Mọi vướng mắc trong quá trình tiến hành vấn đề này cũng như những vấn đề pháp lý khác về doanh nghiệp, Quý khách hàng vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.