Để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nói riêng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Trong quá trình đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, người nộp đơn có quyền tách đơn, rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Trong bài viết sau đây, LAW FOR LIFE sẽ phân tích những quy định pháp luật liên quan về tách đơn, rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Cơ sở pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
- Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
- Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp; được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 31/2020/TT-BTC, Thông tư 63/2023/TT-BTC;
- Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
- Quyết định 2060/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo quy định tại Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022 thì kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có tính mới;
- Có tính sáng tạo;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là thủ tục hành chính được Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành, nói cách khác đây chính là việc chủ sở hữu tiến hành nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho kiểu dáng công nghiệp.
Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định tại Điều 100, 103 của Luật Sở hữu trí tuệ, Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 21 của Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.
Tách đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Khái niệm
Tách đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hiểu là thủ tục mà người nộp tách một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp ban đầu do chủ đơn chủ động tách hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ, đơn sẽ tách một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp sang một hoặc nhiều đơn mới gọi là đơn tách.
Thời điểm có quyền yêu cầu tách đơn
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn quyền tách đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Người yêu cầu thực hiện thủ tục này phải nộp phí và lệ phí.
Lệ phí đơn tách
Trường hợp đơn ban đầu đã có kết quả thẩm định nội dung đơn bao gồm:
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng;
- Phí công bố đơn: 120.000 đồng.
- Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi (nếu có): 60.000 đồng/01 hình.
- Riêng đối với văn bản đề nghị tách đơn nộp cho đơn ban đầu người nộp đơn cần nộp Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi 160.000 đồng.
Trường hợp đơn ban đầu chưa có kết quả thẩm định nội dung đơn:
- Tách phương án đã nêu tại đơn ban đầu sang đơn khác, đơn tách cần nộp bao gồm: Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng; Phí công bố đơn: 120.000 đồng.
- Tách đối tượng chưa được nêu tại đơn ban đầu sang đơn khác, đơn tách cần nộp các khoản phí, lệ phí như đối với đơn ban đầu.
Lưu ý khi tách đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có).
- Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu (ngoài các thủ tục đã được thực hiện ở đơn ban đầu mà không cần phải thực hiện lại ở đơn tách), nhưng không phải nộp phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (trừ trường hợp tách đơn kiểu dáng công nghiệp do không bảo đảm tính thống nhất).
- Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách phải được công bố theo quy định.
- Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục xử lý đơn hoặc theo thủ tục sửa đổi đơn.
Hồ sơ tách đơn
Hồ sơ tách đơn gồm:
- 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đánh máy theo mẫu số 07, Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP, trên tờ khai đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần ghi cụ thể số đơn và ngày nộp đơn của đơn gốc ban đầu;
- 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp;
- Văn bản đề nghị tách đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
- Giấy ủy quyền (nếu đơn được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp).
Thủ tục tách đơn
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người yêu cầu cần chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật. Người nộp đơn sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên thì mang nộp đến cơ quan có thẩm quyền.
Cách thức thực hiện:
- Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Xử lý hồ sơ
Sau khi nộp đơn xong, đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có); được công bố sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Ngoài ra, đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu.
Đơn tách sẽ được thẩm định về hình thức và sẽ được tiếp tục xử lý theo những thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu.
Bước 3: Nộp phí, lệ phí
Người yêu cầu phải nộp lệ phí công bố lại đơn tách nếu việc tách đơn được thực hiện sau khi Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn ban đầu. Ngoài ra, trong trường hợp đơn ban đầu đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ thì người yêu cầu phải nộp phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn.
Bước 4: Thông báo đơn đăng ký
Sau khi tiến hành thủ tục sửa đổi đơn ban đầu, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo ghi nhận việc sửa đổi của đơn, công bố nội dung sửa đổi đó.
Rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Khái niệm
Rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hiểu là việc người nộp đơn tuyên bố rút lại đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trước khi có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Quyền rút đơn đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Việc rút đơn phải do chính người nộp đơn hoặc do người đại diện được người nộp đơn ủy quyền thực hiện thông qua tuyên bố bằng văn bản. Đối với đơn nộp qua đại diện, trong văn bản ủy quyền phải nêu rõ việc ủy quyền rút đơn hoặc phải kèm theo thư lệnh chỉ rõ số đơn cần rút
Thời điểm có quyền rút đơn là trước khi Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
Lưu ý đối với rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Từ thời điểm người nộp đơn tuyên bố rút đơn, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó bị chấm dứt.
- Mọi đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã rút hoặc bị coi là đã rút nếu chưa công bố đều được coi là chưa từng được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
- Thời hạn giải quyết đối với đơn rút đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Hồ sơ rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Tuyên bố rút đơn bằng văn bản;
- Văn bản uỷ quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện), trong đó nêu rõ việc ủy quyền rút đơn hoặc phải kèm theo thư lệnh chỉ rõ số đơn cần rút;
Số lượng hồ sơ thực hiện thủ tục rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm: 01 bộ.
Thủ tục rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đến Cục Sở hữu trí tuệ.
Cách thức thực hiện:
- Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Xử lý đơn
- Trường hợp yêu cầu rút đơn không có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận rút đơn, ghi nhận việc rút đơn trong hồ sơ đơn. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã rút không thể được khôi phục mà chỉ có thể dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
- Trường hợp yêu cầu rút đơn có thiếu sót, không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn, nêu rõ lý do để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối.
- Nếu người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận yêu cầu rút đơn.
Dịch vụ của LAW FOR LIFE liên quan đến tách, rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Tư vấn pháp luật liên quan đến đăng ký kiểu dáng công nghiệp, tách, rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
- Đại diện chủ đơn tiến hành các thủ tục tách, rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ;
- Theo dõi tiến trình thủ tục hồ sơ, phản hồi và phúc đáp khi cần thiết;
- Tư vấn, hỗ trợ khách hàng trao đổi, giải quyết thủ tục tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Quý khách hàng có thắc mắc hay có nhu cầu tư vấn các dịch vụ pháp lý liên quan về tách, rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cũng như đăng ký kiểu dáng công nghiệp, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất!