Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam. Nhằm hướng dẫn các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 mới được thông qua, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong bài viết sau đây, LAW FOR LIFE sẽ phân tích những điểm đáng chú ý trong Nghị định mới này.
Những thông tin cơ bản tại Nghị định 55/2024/NĐ-CP
- Số ký hiệu: 55/2024/NĐ-CP.
- Cơ quan ban hành: Chính phủ.
- Ngày ban hành: 16/05/2024.
- Ngày có hiệu lực: 01/07/2024 (cùng thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực).
- Văn bản bị thay thế: Nghị định số 99/2011/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 03/2023/NĐ-CP.
- Số Chương, Điều: 8 Chương, 30 điều (giảm 07 điều so với Nghị định số 99/2011/NĐ-CP).
Nghị định này quy định chi tiết khoản 9 Điều 3; khoản 2 Điều 9; khoản 2 Điều 13; khoản 5 Điều 23; khoản 5 Điều 28; khoản 3 Điều 32; khoản 5 Điều 33; khoản 4 Điều 37; khoản 5 Điều 39; khoản 3 Điều 40; khoản 3 Điều 45; khoản 3 Điều 47 và khoản 2 Điều 73 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Sau đây, LAW FOR LIFE sẽ phân tích một số điểm mới trong Nghị định 55/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bổ sung quy định về việc tổ chức thực hiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam
Ngày 15 tháng 3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Tại Nghị định 55/2024/NĐ-CP, lần đầu tiên quy định cụ thể về tổ chức thực hiện hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể tại Điều 3 của Nghị định này quy định các nội dung sau:
- Mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam;
- Các hoạt động hưởng ứng;
- Kế hoạch tổ chức hoạt động hưởng ứng, trong đó có trách nhiệm của Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, kế hoạch tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được thực hiện thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung vào tháng cuối năm và 3 tháng đầu năm, cao điểm từ ngày 01 đến ngày 20 tháng 3 hằng năm.
Quy định mới này nhằm thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Từ đó nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh.
Sửa đổi quy định về trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh
Nếu như trước đây, trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh được quy định tại Điều 4 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP thì đến nay, trách nhiệm này được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Tại Nghị định số 55/2024/NĐ-CP chỉ quy định trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại. Theo đó, ngoài trách nhiệm theo Khoản 1 Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, thì còn phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nội quy do tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại ban hành theo quy định của pháp luật.
Sau đây là một số điểm khác biệt trong quy định về trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh trong Điều 4 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP so với Khoản 1 Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Điều 4 Nghị định 55/2024/NĐ-CP
Hạn chế về cung cấp cho người tiêu dùng
Không được cung cấp cho người tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP, thay vì chỉ quy định “Không được bán, cung cấp cho người tiêu dùng các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội”. Mức quy định này đã khái quát hơn và thể hiện tính liên kết với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cụ thể là Nghị định 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Trách nhiệm cung cấp thông tin
Quy định về các thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng được yêu cầu cung cấp đúng, đầy đủ đã bổ sung thêm căn cứ để đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ này. Theo luật mới, các căn cứ bao gồm: quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về thương mại và pháp luật khác có liên quan.
Trách nhiệm khi hàng hóa không đảm bảo và tiêu hủy hàng hóa
Cá nhân hoạt động thương mại độc lập có nghĩa vụ đổi hàng hóa hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng hóa cho người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp không đảm bảo chất lượng, số lượng, công dụng như thông tin mà mình cung cấp.
Đối với hàng hóa thuộc diện phải thu hồi, Cá nhân hoạt động thương mại độc lập có nghĩa vụ chấp hành quyết định thu hồi hàng hóa và chịu chi phí để tiêu hủy hàng hóa trong trường hợp hàng hóa phải tiêu hủy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Các quy định mới này đã khái quát hơn quy định trong Nghị định số 99/2011/NĐ-CP.
Sửa đổi, bổ sung quy định về việc hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Bổ sung yêu cầu về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Điều 6 Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải đáp ứng đủ 5 yêu cầu sau:
- Ngôn ngữ: tiếng Việt và có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng khác theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Kích cỡ chữ: Trong trường hợp giao kết bằng văn bản giấy, cỡ chữ nhỏ nhất là 12 theo loại chữ Times New Roman hoặc kích cỡ tương đương.
- Màu sắc: chữ và màu nền thể hiện nội dung văn bản phải tương phản nhau.
- Kết cấu: Bố cục, thiết kế văn bản phải rõ ràng, dễ theo dõi.
- Nội dung: rõ ràng, dễ hiểu và phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đây. Điều 7 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP chỉ quy định 3 điều kiện hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung như sau:
- Phải được lập thành văn bản.
- Ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Việt, nội dung phải rõ ràng, dễ hiểu; cỡ chữ ít nhất là 12.
- Nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải tương phản nhau.
Như vậy, quy định mới tại Nghị định số 55/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm những điều kiện về ngôn ngữ, bố cục thiết kế, nội dung của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Điều này nhằm hướng dẫn các bên khi tiến hành đăng ký, đồng thời nhằm kiểm soát đôi với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Bổ sung trách nhiệm đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Ngoài trách nhiệm đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vơi cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 7 của Nghị định số 55/2024/NĐ-CP còn bổ sung trách nhiệm như sau:
- Trách nhiệm phải hoàn thành việc đăng ký và công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để người tiêu dùng biết về nội dung của các văn bản: Trong trường hợp người tiêu dùng thanh toán trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
- Trách nhiệm gửi báo cáo tình hình đăng ký và áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung: Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, tổ chức, cá nhân kinh doanh có hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký gửi báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký.
Lưu ý, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký bao gồm:
- Bộ Công thương trong trường hợp hợp đồng đó áp dụng trên phạm vi cả nước hoặc áp dụng trên phạm vi từ hai tỉnh trở lên.
- Sở Công thương tiếp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu trong trường hợp hợp đồng đó áp dụng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy định mới này nhằm kiểm soát việc thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, tăng cường sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời cũng là biện pháp nhằm xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch đặc thù
Nếu như trước đây Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định giao dịch đặc thù bao gồm hợp đồng giao kết từ xa, hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục, hợp đồng bán hàng tận cửa thì hiện nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2024 quy định giao dịch đặc thù bao gồm giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bán hàng trực tiếp giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Theo đó, tại Nghị định số 55/2024/NĐ-CP đã bổ sung một số trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch đặc thù như sau:
- Bổ sung trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn;
- Bổ sung nghĩa vụ công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng;
- Bổ sung nghĩa vụ thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã đối với hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên.
Quy định mới này nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tiến hành các giao dịch đặc thù, đặc biệt là các giao dịch đặc thù hiện nay trên không gian mạng, trên nền tảng số với những rủi ro nhất định.
Hướng dẫn quy định về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật
Nếu như trước đây Nghị định số 99/2011/NĐ-CP không có hướng dẫn về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà vấn đề này chỉ được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2012 thì hiện nay Nghị định 55/2024/NĐ-CP đã có hướng dẫn cụ thể về nội dung này.
Theo Chương V Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định một số nội dung về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật như sau:
- Quy định biện pháp cần thiết để ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;
- Quy định trách nhiệm công khai, thông báo công khai việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;
- Nghĩa vụ báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;
- Nuồn thông tin, dữ liệu để xác định cụ thể nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
Quy định mới này giúp các tổ chức cá nhân cũng như cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để xác định sản phẩm, hàng hóa khuyết tật. Từ đó, có nghĩa vụ trách nhiệm cụ thể để thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ những hàng hóa khuyết tật.
Trên đây là những phân tích của LAW FOR LIFE về Nghị định 55/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quý khách hàng có thắc mắc hay có nhu cầu tư vấn các dịch vụ pháp lý liên quan, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất!