Ngày 12/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Những điểm mới của Nghị định 23/2023/NĐ-CP tập trung vào các quy định về hoạt động của đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Toàn văn Nghị định 23/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/2016/NĐ-CP
Tải Nghị định 23/2023/NĐ-CP tại đây
Thông tin cơ bản của Nghị định 23/2023/NĐ-CP
Những thông tin cơ bản về Nghị định 23/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế bao gồm:
Ngày ban hành | 12/05/2023 |
Ngày có hiệu lực | 01/07/2023 |
Nội dung Nghị định 23/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế
Cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Về phạm vi điều chỉnh được sửa đổi, bổ sung theo đó Nghị định này quy định về:
- Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ (không bao gồm hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới).
- Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ bao gồm hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ và hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ.
- Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới; hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.”
Ngoài ra đối tượng áp dụng của nghị định bao gồm:
- Tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ; tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
- Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ, hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Phạm vi và đối tượng được điều chỉnh để đáp ứng sự cụ thể hóa cơ chế riêng dành cho đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới trong nội dung sửa đổi của Nghị định, làm rõ những nhóm đối tượng được nhắc đến chịu sự điều chỉnh.
Định nghĩa lại về tổ chức tín dụng ủy quyền
Nghị định 23/2023/NĐ-CP đã sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 89/2016/NĐ-CP về quy định điều kiện với tổ chức tín dụng được phép uỷ quyền cho tổ chức kinh tế đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là phải có trụ sở chính và/hoặc chi nhánh tại tỉnh biên giới trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế đặt đại lý đổi tiền. Quy định nhằm đảm bảo khả năng của tổ chức tín dụng uỷ quyền trong việc giám sát hoạt động đổi ngoại tệ của tổ chức kinh tế.
Tuy nhiên, quy định như vậy cũng chưa thực sự hợp lý vì các tổ chức tín dụng có thể sử dụng nhiều cách thức và biện pháp khác nhau nhằm thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tổ chức kinh tế, không nhất thiết phải có trụ sở/chi nhánh tại địa bàn. Hơn nữa, hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung biên giới) tại Nghị định 89/2016/NĐ-CP cũng có tính chất tương tự hoạt động này, nhưng không có yêu cầu như vậy.
Quy định điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
Nghị định 23/2023/NĐ-CP bổ sung điều 6a quy định về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. Cụ thể tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới sau khi được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận).
Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới xem xét cấp Giấy chứng nhận bao gồm:
- Đáp ứng điều kiện về trụ sở chính, chi nhánh: Tổ chức kinh tế có trụ sở chính tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh biên giới; hoặc có trụ sở chính và chi nhánh tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn một tỉnh biên giới; hoặc có trụ sở chính tại tỉnh biên giới và chi nhánh tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn một tỉnh biên giới;
- Đáp ứng điều kiện về địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới: Có địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh;
- Tổ chức kinh tế phải có quy trình nghiệp vụ đổi tiền của nước có chung biên giới; có bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại nơi giao dịch;
- Được tổ chức tín dụng ủy quyền ủy quyền làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới;
- Đặc biệt, một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cho một tổ chức tín dụng ủy quyền.
Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới xem xét gia hạn Giấy chứng nhận bao gồm:
- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6a;
- Giấy chứng nhận tổ chức kinh tế đã được cấp phải hiệu lực tối thiểu 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị gia hạn;
- Tổ chức kinh tế không vi phạm chế độ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tối thiểu 03 quý trong 01 năm từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận hoặc gia hạn Giấy chứng nhận gần nhất đến thời điểm xin gia hạn.
Việc quy định điều kiện đổi tiền với tổ chức kinh tế hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới để đáp ứng nhu cầu quản lý của hoạt động sử dụng tiền của nước có chung biên giới.
Quy định về việc chấp thuận cho các tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
Nghị định 23/2023/NĐ-CP bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận, thu hồi giấy chứng nhận cụ thể từ Điều 6b đến Điều 6e.
Hiện nay các bàn đổi tiền cá nhân được cấp phép trước đây vẫn đang hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu đổi tiền nhỏ lẻ cho cư dân biên giới và khách du lịch. Tuy nhiên khi xóa bỏ hoạt động của bàn đổi tiền cá nhân và thay thế bằng đối tượng tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý cho tổ chức tín dụng trên cơ sở ủy quyền thì cần phải có quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục để cơ quan chức năng năng có cơ sở chấp thuận.
Do vậy, việc bổ sung quy định là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ rõ ràng cho các tổ chức thực hiện đồng thời đảm bảo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối đối với các tổ chức kinh tế.
Ngoài ra, Nghị định bổ sung điều 6g quy định về các trường hợp tự động hết hiệu lực trong các trường hợp:
- Tổ chức tín dụng ủy quyền, tổ chức kinh tế bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tín dụng ủy quyền, tổ chức kinh tế bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh hoặc các giấy tờ khác tương đương theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tín dụng ủy quyền chấm dứt hợp đồng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với tổ chức kinh tế.
Việc bổ sung quy định về các trường hợp tự động hết hiệu lực nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đổi tiền.
Quy định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động ngoại hối
Khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động ngoại hối như sau:
- Đối với các hành vi không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về việc đăng ký, thông báo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với các trường hợp thay đổi liên quan đến hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Điều này khác với quy định trước đó chỉ xử phạt khi thực hiện hành vi không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc đăng ký, thông báo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với các trường hợp thay đổi liên quan đến hoạt động đại lý đổi ngoại tệ.
- Áp dụng phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ, hợp đồng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với tổ chức không đủ điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới; không hướng dẫn, kiểm tra đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới theo quy định của pháp luật. Khác với Nghị định 89/2016/NĐ-CP chỉ xử phạt với hành vi ký hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ với tổ chức không đủ điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ; không hướng dẫn, kiểm tra đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật. Đồng thời với các hành hành vi không làm theo đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới theo quy định của pháp luật; làm đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật cũng bị xử phạt mức tiền tương tự.
- Cuối cùng, phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi làm trái trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm; Làm đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm.
Ngoài việc sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm về hoạt động ngoại hối áp dụng hình thức phạt tiền thì Nghị định 23/2023/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm này, cụ thể:
- Đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Đối với biện pháp khắc phục hậu quả thì đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới, giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 5, điểm c khoản 6 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Việc sửa đổi, bổ sung nhằm để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm của đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật tín dụng, ngoại hối, pháp luật doanh nghiệp, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.