Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Đánh giá post này

Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 30/12/2023, Chính Phủ ban hành nghị định 96/2023/NĐ-CP nhằm cập nhật quy định chi tiết một số điều trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và và sửa đổi một số nội dung của Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. LAW FOR LIFE sẽ trình bày những điểm mới nổi bật của Nghị định 96/2023/NĐ-CP trong bài viết dưới đây.

Những thông tin cơ bản về Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh

  • Ngày ban hành: 30/12/2023
  • Ngày bắt đầu hiệu lực: 01/01/2024.
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ.
  • Người ký: Trần Hồng Hà.

Điểm nổi bật ở Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Về phạm vi điều chỉnh của nghị định 96/2023/NĐ-CP

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về:

  • Cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
  • Cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
  • Áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh;
  • Quản lý thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  • Huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp;
  • Điều kiện bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
  • Hướng dẫn các quy định về lộ trình thực hiện; quy định chuyển tiếp liên quan đến giấy phép hành nghề và giấy phép hoạt động.

Về thời gian, nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Một điểm mới tại Nghị định này là chuyển đổi hình thức từ cấp “chứng chỉ hành nghề” sang “giấy phép hành nghề” khám chữa bệnh. Điều kiện cấp giấy phép hành nghề tương ứng với từng chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng,… được quy định cụ thể tại Điều 8.

Tại Điều 3 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định về thời gian làm điều kiện để cấp giấy phép hành nghề đã thay đổi so với quy định tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, trong đó rút ngắn thời gian thực hành như sau:

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
Bác sĩ 18 tháng 12 tháng
Y sĩ 12 tháng 09 tháng
Hộ sinh 09 tháng 06 tháng
Điều dưỡng 09 tháng 06 tháng

Cũng tại Điều 3, Nghị định 96 đã thêm thời gian thực hành khám bệnh, chữa bênh của các chức danh mới như đối với chức danh dinh dưỡng lâm sàng là 06 tháng, đối với chức danh cấp cứu viên ngoại viện là 06 tháng và đối với chức danh tâm lý lâm sàng là 09 tháng.

Về hồ sơ, thủ tục cấp mới giấy phép hành nghề

Hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề tại nghị định này cũng được giảm bớt và đơn giản hoá, trong đó, đã bỏ phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ, thay thế lý lịch cá nhân bằng sơ yếu lý lịch tự thuật, không bắt buộc xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã trong sơ yếu lý lịch.

Tại Điều 14 đối với chức danh chuyên môn là bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng thì hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề đối với trường hợp người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 13 Nghị định này gồm:

  • Đơn theo Mẫu 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau:
  • Văn bản xác nhận đạt kết quả tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
  • Giấy phép hành nghề đã được thừa nhận theo quy định tại Điều 37 Nghị định này.
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy khám sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện cấp hoặc bản sao hợp lệ giấy phép lao động đối với trường hợp phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;
  • Sơ yếu lý lịch tự thuật của người hành nghề theo Mẫu 09 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
  • 02 ảnh chân dung cỡ 04cm x 06 cm, chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề;
  • Bản sao hợp lệ của một hoặc nhiều các giấy tờ sau đây đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 6 Điều 10Nghị định này:
  • Giấy chứng nhận lương y;
  • Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền;
  • Giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Về điều kiện cấp giấy phép đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Một sửa đổi, bổ sung của Nghị định 96/2023/NĐ-CP so với Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP về điều kiện chung của cơ sở khám chữa bênh được thể hiện ở bảng sau:

Tiêu chí Nghị định 96/2023/NĐ-CP Nghị định 109/2016/NĐ-CP
Cơ sở vật chất Có địa điểm cố định đáp ứng các quy định của pháp luật về: an toàn chịu lực, phòng cháy và chữa cháy, kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ môi trường, an toàn bức xạ (nếu có); bảo đảm đủ điện, nước phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Có biển hiệu, có sơ đồ và biển chỉ dẫn đến các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính. Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động). Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.
Thiết bị y tế Có thiết bị y tế phù hợp với danh mục chuyên môn kỹ thuật và phạm vi hoạt động đăng ký. Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.
Tổ chức

Nhân sự

Phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công.
Cơ sở khám sức khỏe Có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe;

 

Đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Về điều kiện Khám bệnh, chữa bệnh từ xa

Điều kiện thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa được quy định Khoản 1 Điều 87 của Nghị định 96/2023/NĐ-CP như sau:

  • Được thực hiện bởi người hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc một trong các hình thức tổ chức quy định tại Điều 39 Nghị định này;
  • Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung khám bệnh, chữa bệnh từ xa của cơ sở;
  • Có đủ người hành nghề theo phạm vi khám bệnh, chữa bệnh từ xa của cơ sở;
  • Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dụng, phần mềm công nghệ thông tin phù hợp với loại hình dịch vụ cung cấp và bảo đảm việc truyền tải, hiển thị, xử lý, lưu trữ dữ liệu an toàn, bảo mật. Bảo đảm thời gian lưu trữ, dự phòng dữ liệu đáp ứng quy định của pháp luật.

Phạm vi khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 80 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đối với phương thức khám chữa bệnh từ xa, cơ sở khám chữa bệnh phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 87 và thực hiện thủ tục công bố đủ điều kiện thực hiện khám chữa bệnh từ xa theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 87 Nghị định này. Trường hợp thí điểm khám chữa bệnh từ xa đối với các bệnh, tình trạng bệnh không có trong danh mục theo quy định thì phải trình cơ quan cấp giấy phép hoạt động để xem xét phê duyệt.

Về quy trình cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới

Nghị định 96/2023/NĐ-CP cũng quy định trình tự liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh để áp dụng theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cụ thể tại Điều 96 như sau:

Bước 1. Khi có kỹ thuật, phương pháp không có trong danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nộp hồ sơ đề nghị xác định kỹ thuật mới, phương pháp mới về Bộ Y tế.

Bước 2. Sau khi nhận hồ sơ, Bộ Y tế trả cho cơ sở đề nghị xác định kỹ thuật mới, phương pháp mới phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu 02 Phụ lục I Nghị định này.

Bước 3. Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ, trong đó phải nêu rõ kỹ thuật mới, phương pháp mới mà cơ sở đề nghị xác định thuộc một trong các trường hợp nào sau đây:

  • Kỹ thuật mới, phương pháp mới phải thử nghiệm lâm sàng;
  • Kỹ thuật mới, phương pháp mới không phải thử nghiệm lâm sàng nhưng phải thực hiện thí điểm;
  • Kỹ thuật mới, phương pháp mới không phải thử nghiệm lâm sàng và không phải thực hiện thí điểm.

Bước 4. Sau khi nhận được văn bản trả lời của Bộ Y tế, cơ sở đề nghị xác định kỹ thuật mới, phương pháp mới có trách nhiệm:

Bước 5. Trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại điểm c khoản 4 Điều này, Bộ Y tế có trách nhiệm: Phê duyệt quy trình kỹ thuật của kỹ thuật mới, phương pháp mới; Phê duyệt định mức kinh tế – kỹ thuật của kỹ thuật mới, phương pháp mới; Phê duyệt giá của kỹ thuật mới, phương pháp mới; Phân loại kỹ thuật mới, phương pháp mới; Ban hành văn bản cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật mới, phương pháp mới.

Bước 6. Sau khi nhận được văn bản cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật mới, phương pháp mới quy định tại khoản 5 Điều này

Bước 7. Sau khi Bộ Y tế đã phê duyệt quy trình kỹ thuật và phân loại kỹ thuật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nếu muốn thực hiện phải thực hiện theo quy trình sau đây:

  • Đối với kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật loại đặc biệt:
  • Lập hồ sơ đề nghị thực hiện thí điểm;
  • Sau khi hoàn thành thí điểm, lập hồ sơ đề nghị phê duyệt chính thức.
  • Đối với kỹ thuật không thuộc danh mục kỹ thuật loại đặc biệt: thực hiện theo quy trình điều chỉnh phạm vi hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định này.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về các quy định về pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, các nghị định sửa đổi liên quan, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo Icon
Facebook Icon
Phone Icon