Ngày 07/03/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2024/NĐ-CP quản lý phương tiện giao thông đường bộ đăng ký tại nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch. Vậy, có những điều gì đáng lưu ý trong Nghị định này và người nước ngoài cần phải chuẩn bị những gì khi tham gia giao thông tại Việt Nam, hãy cùng LAW FOR LIFE tìm hiểu.
Những thông tin cơ bản tại Nghị định 30/2024/NĐ-CP quản lý phương tiện giao thông đường bộ đăng ký tại nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch
- Số ký hiệu: 30/2024/NĐ-CP.
- Loại văn bản: Nghị định.
- Cơ quan ban hành: Chính phủ.
- Ngày ban hành: 07/03/2024.
- Ngày có hiệu lực: 01/05/2024.
- Người ký: Trần Hồng Hà.
Những điểm lưu ý tại Nghị định 30/2024/NĐ-CP
Đối tượng được áp dụng
Nghị định 30/2024/NĐ-CP được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài liên quan đến phương tiện cơ giới nước ngoài, do người nước ngoài điều khiển vào tham gia giao thông tại Việt Nam với mục đích du lịch.
Tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến việc phương tiện cơ giới nước ngoài, do người nước ngoài điều khiển vào tham gia giao thông tại Việt Nam với mục đích du lịch phải thực hiện quy định của Nghị định 30/2024/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều kiện đối với người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam
Nghị định quy định điều kiện chung đối với người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam gồm:
- Phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam;
- Có văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam của Bộ Công an cấp.
Điều kiện đối với phương tiện cơ giới nước ngoài
Phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Là phương tiện cơ giới đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này;
- Có Giấy đăng ký xe và gắn biển số xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực;
- Có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô);
- Đối với phương tiện cơ giới nước ngoài là xe ô tô có tay lái ở bên phải: Có công hàm của Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam gửi Bộ Công an đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam; Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không; phải tạm nhập, tái xuất theo đúng cửa khẩu đã được Bộ Công an chấp thuận;
- Phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh;
- Thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 45 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày và phải thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này. Có thể thấy, so với khoản 1 Điều 3 Nghị định 152/2013/NĐ-CP quy định thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày, thì Nghị định 30/2024/NĐ-CP đã tăng thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam của phương tiện cơ giới nước ngoài lên tối đa 45 ngày.
Điều kiện đối với người nước ngoài điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài
Có 06 loại giấy tờ khi người nước ngoài điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông phải mang theo và xuất trình đó là:
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam;
- Giấy phép lái xe do nước ngoài cấp phù hợp với loại xe điều khiển và còn hiệu lực;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô);
- Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị tại Việt Nam;
- Tờ khai hải quan phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập, tái xuất..
Trình tự, thủ tục chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam gửi đến Bộ Công an 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức sau: Trực tiếp, trực tuyến, đường bưu chính. Hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Công văn đề nghị chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam theo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Nghị định này;
- Danh sách người điều khiển phương tiện theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Nghị định này;
- Bản sao giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế lần đầu xin chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam).
Chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định như trên, Bộ Công an có văn bản trả lời việc chấp thuận hoặc không chấp thuận (nêu rõ lý do) việc phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam. Văn bản chấp thuận theo Mẫu số 03, văn bản không chấp thuận theo Mẫu số 07 Phụ lục kèm theo Nghị định này và được trả trực tiếp, hoặc trực tuyến, hoặc qua đường bưu chính.
Văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam được Bộ Công an thông báo đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan để phối hợp quản lý.
Về trường hợp bất khả kháng, nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định 30/2024/NĐ-CP quản lý phương tiện giao thông đường bộ đăng ký tại nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch:
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phải có văn bản gửi đến Bộ Công an báo cáo về lý do phương tiện xuất cảnh chậm so với thời gian quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Công an theo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Nghị định này và được gửi trực tiếp, hoặc trực tuyến, hoặc qua đường bưu chính;
- Sau khi nhận được văn bản báo cáo của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Bộ Công an có văn bản trả lời doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, đồng thời gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan để phối hợp quản lý theo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Hiệu lực thi hành
Nghị định 30/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2024.
Trong khi đó, Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch và Nghị định số 57/2015/NĐ-CP ngày 16/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về các quy định về pháp luật về giao thông đường bộ, các nghị định sửa đổi liên quan, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.