Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thì cần tuân thủ theo các trình tự đăng ký và hoàn thành các chi phí đăng ký theo quy định của pháp luật. Sau đây, LAW FOR LIFE tổng hợp thông tin về phí đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Cơ sở pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022;
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN;
- Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp;
- Thông tư 44/2023/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp;
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có tính mới: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
- Có tính sáng tạo: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
- Có khả năng áp dụng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau, cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm;
- Đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đánh máy theo mẫu số 03-KDCN Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
- 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng quy định tại điểm 33.5 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN);
- 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Bên cạnh đó cần thêm các giấy tờ tùy theo các trường hợp sau:
- Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
- Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
Phí, lệ phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ;
- Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp: 100.000/01 phân loại;
- Phí thẩm định đơn: 700.000VNĐ/01 đối tượng;
- Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;
- Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình;
- Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000VNĐ/01 đối tượng;
- Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên.
Lưu ý:
-
Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, trường hợp Người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại);
-
Lệ phí nộp đơn được giảm còn 75.000VNĐ/01 đơn trong thời hạn kể từ ngày 01/7/2023 đến ngày 31/12/2023.
Thời hạn xử lý đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được xem xét theo trình tự sau:
- Thẩm định hình thức: 01 tháng
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
- Thẩm định nội dung: không quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơ
Như vậy, thời gian xử lý đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo quy định của pháp luật là 10 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận đơn đăng ký. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian xử lý có thể kéo dài hơn so với quy định của pháp luật.
Dịch vụ của LAW FOR LIFE trong lĩnh vực đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Tra cứu thông tin về sử dụng và đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài;
- Tư vấn, đánh giá khả năng sử dụng, đăng ký bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài;
- Hoàn thiện hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ (dịch tài liệu hoặc viết bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, yêu cầu bảo hộ, chuẩn bị các hình vẽ, làm tờ khai, đại diện) cho khách hàng trong việc nộp đơn yêu cầu cấp bằng bảo hộ, gia hạn văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài;
- Nghiên cứu và đánh giá khả năng vi phạm các quyền kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ;
- Thực thi các quyền kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ: điều tra, giám sát, thương lượng / hòa giải, khởi kiện ra tòa hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác xử lý xâm phạm ở Việt Nam và nước ngoài;
- Đàm phán, soạn thảo, thẩm định, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu các kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài.