Kiểu dáng công nghiệp là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, được định nghĩa là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố này, có tính mới so với thế giới và có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó. Để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thì chủ sở hữu phải nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Vậy đơn đăng ký được coi là hợp lệ thì cần những yêu cầu gì, sau đây LAW FOR LIFE xin tổng hợp những quy định chung của pháp luật về đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp để Qúy khách hàng nắm rõ.
Yêu cầu chung
- Tờ khai đăng ký (Mẫu 03-KDCN quy định tại Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN);
- Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp;
- Bộ ảnh chụp hoặc bộ ảnh vẽ kiểu dáng công nghiệp;
- Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Giấy chứng nhận quyền thừa kế; Giấy chứng nhận hoặc thỏa thuận chuyển giao quyền nộp đơn; Hợp đồng giao việc hoặc Hợp đồng lao động);
- Tài liệu xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu, nếu kiểu dáng công nghiệp có chứa nhãn hiệu;
- Giấy ủy quyền nếu đơn đăng ký được nộp thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp;
- Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày tại triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế;
- Chứng từ nộp phí , lệ phí
Yêu cầu cụ thể:
- Đối với tờ khai: Lưu ý trong tờ khai phải nêu chỉ số phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ phù hợp với Bảng phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (theo Thoả ước Locarno).
- Đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp: cần bộc lộ đầy đủ các đặc điểm tạo dáng, chỉ rõ điểm mới khác biệt so với các kiểu dáng công nghiệp trước đó và phải phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ. Nếu muốn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo nhiều phương án khác nhau thì phải chỉ rõ đâu là phương án cơ bản và sự khác biệt giữa nó với các phương án còn lại. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì phần mô tả phải thể hiện đầy đủ kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ sản phẩm đó. Hoặc nếu chứa nhãn hiệu phải có tài liệu xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu.
Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp gồm các nội dung sau:Tên sản phẩm hoặc bộ phận sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp;
Chỉ số phân loại kiểu dáng công nghiệp quốc tế (phân loại theo thỏa ước Locarno);
Lĩnh vực sử dụng của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp;
Liệt kê ảnh chụp hoặc hình vẽ;
Bản chất của kiểu dáng công nghiệp, trong đó nêu rõ đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ khác biệt cơ bản với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.
- Đối với bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp: Người nộp đơn phải nộp 04 bộ ảnh chụp hoặc 04 bộ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp. Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ.
Ảnh chụp/hình vẽ phải rõ ràng và sắc nét, không được lẫn các sản phẩm khác với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ. Tất cả các ảnh chụp/hình vẽ phải theo cùng một tỉ lệ. Kích thước mỗi ảnh chụp/hình vẽ không được nhỏ hơn (90 x 120)mm và không được lớn hơn (210 x 297) mm.