Thông tư 10/2023/TT-NHNN về ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 23/08/2023 và có hiệu lực từ tháng 09/2023. Hiệu lực của Thông tư sẽ được duy trì cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Căn cứ pháp lý
- Luật Các tổ chức tín dung 2010, sửa đổi bổ sung 2017.
- Luật Ngân hàng Nhà nước 2010.
- Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 06/2023/TT-NHNN và Thông tư 10/2023/TT-NHNN.
Bối cảnh ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, việc ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, 9 và 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN là cần thiết để thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các điều khoản bị ngưng hiệu lực nằm trong Điều 8 liên quan đến việc quy định về những nhu cầu vốn không được cho vay.
Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã được sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN trước đó, ngày 28/6/2023 (cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023). Những sửa đổi tại Thông tư 06 dựa trên mục đích bảo đảm an toàn cho hoạt động cấp vốn, hướng dòng tiền chảy vào hoạt động kinh doanh sản xuất thiết thực, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, đồng thời kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng. Theo đó, bốn trường hợp bổ sung bị cấm cho vay tại Điều 8 đã áp thêm những hạn chế đối với bên đi vay, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản – một lĩnh vực mà theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên tại thời điểm ban hành, Thông tư 06 cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các doanh nghiệp bất động sản do đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký văn bản số 756/TTg-KTTH ngày 23/08/2023 trực tiếp yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Do vậy, theo thẩm quyền được quy định trong Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương hoàn thiện việc ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN nhằm ngưng hiệu lực khẩn trước ngày có hiệu lực của các điều khoản gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về nội dung này.
Nội dung quy định bị ngưng hiệu lực
Các khoản 8, 9, 10 của Điều 8 quy định về ba trường hợp nhu cầu vốn không được phép vay vốn từ các tổ chức tín dụng, bao gồm:
Khoản 8 Điều 8: Thanh toán tiền góp vốn
Theo đó, tổ chức tín dụng không được cho vay vốn để bên đi vay thực hiện một trong các mục đích sau:
- Thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
Có thể thẩy, các quy định này chỉ áp dụng với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và công ty cổ phần chưa niêm yết mà không áp dụng đối với các công ty cổ phần đã niêm yết. Cơ sở của điều khoản này là do việc hình thành khoản vay trong các loại hình doanh nghiệp này nhằm mục đích góp vốn sẽ tiềm ẩn rủi ro khi
- Phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty do không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ như công ty cổ phần niêm yết.
- Khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay do tổ chức tín dụng không quản lý được việc sử dụng vốn của bên đi vay trong trường hợp này và cũng không có cơ sở kiểm tra đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, khả năng thu hồi nợ, tính pháp lý của bên nhận vốn góp hoặc dự án nhận vốn góp.
Tuy nhiên có thể thấy hiện nay tại Việt Nam, các công ty chưa niêm yết đang chiếm tỷ lệ vượt trội, và việc quy định hạn chế này có thể kìm hãm hoạt động mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên thực tế do vốn vay của các doanh nghiệp tham gia M&A bị hạn chế.
Khoản 9 Điều 8
Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã bổ sung trường hợp không được vay vốn nhằm mục đích thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
Điều khoản này cụ thể hóa hơn quy định tại khoản 8 nhằm đối phó với một số doanh nghiệp lớn lấy uy tín của mình để đứng ra vay vốn để đầu tư, góp vốn hợp tác vào các doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện vay vốn trực tiếp từ tổ chức tín dụng theo Điều 7 của Thông tư 39. Việc này có thể làm gia tăng số lượng các dự án đầu tư không có chất lượng, nhà đầu tư yếu kém năng lực xâm nhập vào thị trường để cạnh tranh không lành mạnh hoặc đầu cơ bất động sản nhờ nguồn vốn tín dụng.
Khoản 10 Điều 8
Theo điều khoản này, các khoản vay nhằm bù đắp tài chính là không được phép, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay;
- Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó.
Những hạn chế của ba trường hợp cấm cho vay tại Điều 8
Ngoài việc không phù hợp với chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 33/NQ-CP thì các điều khoản này cũng đang mâu thuẫn nhất định với quy định pháp luật liên quan và điều kiện kinh tế hiện hành bởi:
- Hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp: các nhu cầu vay vốn này không bị cấm bởi Luật Tổ chức tín dụng, và theo nguyên tắc thì doanh nghiệp được tự do kinh doanh những việc mà pháp luật không cấm.
- Khoản 8 mâu thuẫn với nguyên tắc tự nguyên thỏa thuận trong quan hệ “đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp”, một hình thức đầu tư không bị giới hạn về loại hình cũng như tình trạng niêm yết của công ty mục tiêu. Đồng thời, khoản 8 cũng kìm hãm dòng chảy vốn của thị trường M&A.
- Khoản 9 không phù hợp với quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản về quyền kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai khi không cấm hay hạn chế các hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc các hình thức hợp tác khác đối với các dự án đủ điều kiện pháp lý nhưng chưa đủ điều kiện mở bán.
Ý nghĩa của việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định về hoạt động cho vay trong Thông tư 10/2023/TT-NHNN
Thông tư 10/2023/TT-NHNN đã sửa đổi cơ chế cho vay phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn được đảm bảo hiệu lực thi hành.
Việc ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN nhằm đáp ứng các yêu cầu về phục hồi phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ hậu đại dịch và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận vay vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Xu hướng thay đổi
Việc ban hành Thông tư 10 là một bước đi hợp lý đáp ứng bối cảnh hiện tại. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Điều này cũng hứa hẹn một văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, hiệu quả hơn nhằm hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan trong thời gian tới.
Trên đây là một số nội dung cập nhật về việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định về hoạt động cho vay trong Thông tư 10/2023/TT-NHNN. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn pháp lý đối với các khoản vay trong nước, khoản vay nước ngoài và các thủ tục liên quan đến khoản vay, vui lòng liên hệ đến LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.