Thỏa thuận trọng tài đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tố tụng trọng tài, vì không có thỏa thuận trọng tài sẽ không có tố tụng trọng tài. Trong đó, thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có giá trị pháp lý rất lớn giúp tố tụng trọng tài nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Căn cứ pháp lý
- Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là gì?
Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”. Theo đó có thể hiểu thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc sử dụng ngôn ngữ chung để giải quyết bằng tố tụng trọng tài.
Quy định của pháp luật trọng tài về thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp
Căn cứ theo Điều 10 Luật Trọng tài thương mại quy định về ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài như sau:
- Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì được chọn người phiên dịch ra tiếng Việt.
- Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận.
So với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mở rộng trường hợp theo đó các bên được thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài. Cụ thể, Luật đã bổ sung thêm trường hợp “tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.
Trong thực tế, thông thường hội đồng trọng tài của các trung tâm, tổ chức trọng tài chấp nhận ngôn ngữ do các bên thỏa thuận khi tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hình thức thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức khác được coi là văn bản như:
- Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên.
- Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên.
- Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác.
- Qua trao đổi về đơn kiện và bản thân tự bảo vệ mà trong đó có thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa và bên kia không phủ nhận.
Thời điểm xác lập thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp
Pháp luật trọng tài cho phép các bên thỏa thuận chọn ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhưng không quy định thời điểm các bên được thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nên có thể hiểu các bên được quyền thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài ở bất kỳ thời điểm nào.
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 thì tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương mại là “tranh chấp có thể phát sinh” hoặc “đã phát sinh”. Như vậy, thời điểm hai bên thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể là trước khi tranh chấp giữa hai bên xảy ra hoặc vào thời điểm sau khi có tranh chấp đã xảy ra.
- Thứ nhất, thỏa thuận trọng tài được xác lập trước khi tranh chấp xảy ra.
Ví dụ: công ty H mua hàng hóa của công ty M, trong hợp đồng mua bán hàng hóa, hai bên có thỏa thuận về điều khoản giải quyết tranh chấp như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết chung thẩm tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và sử dụng ngôn ngữ giải quyết là tiếng Việt”.
- Thứ hai, thỏa thuận trọng được xác lập sau khi tranh chấp đã xảy ra.
Ví dụ: công ty A thuê công ty B gia công các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ, trong hợp đồng thuê không có điều khoản về giải quyết tranh chấp. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty B đã vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng nên giữa hai bên xảy ra tranh chấp. Sau khi tranh chấp xảy ra, công ty A và công ty B đã lập một văn bản thỏa thuận về việc đưa tranh chấp phát sinh từ hợp đồng gia công ra giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp là tiếng Anh.
Giá trị pháp lý của thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
- Ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng trọng tài là vấn đề không nhỏ giúp việc giải quyết tranh chấp được nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
- Việc lựa chọn, thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể ảnh hưởng tới sự lựa chọn trọng tài viên, hiệu quả của chứng cứ, sự phức tạp trong thẩm định, sự cần thiết phải dịch tài liệu và những vấn đề khác.
- Trong tố tụng trọng tài thương mại, trong nhiều trường hợp ngôn ngữ trong tố tụng do các bên định đoạt và không nhất thiết là ngôn ngữ tiếng Việt. Khi các bên định đoạt hay nói chính xác là thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thỏa thuận này ràng buộc các bên cũng như trọng tài với những hệ quả rất quan trọng.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ giải quyết tranh chấp khi các bên không có thỏa thuận về ngôn ngữ
Pháp luật hiện hành cho phép các bên thỏa thuận cho ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhưng có nhiều trường hợp các bên không có thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp. Theo Khoản 2 Điều 10 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định có tính mới và mở rộng hơn: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định.”.
Khác với quy định tại Khoản 7 Điều 49 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003: “Nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt”. Hướng thay đổi của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 làm cho pháp luật Việt Nam hội nhập hơn với pháp luật các quốc gia trên thế giới.
- Với quy định hiện hành, hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hướng này có tính dự báo không cao.
- Theo quy định của pháp luật quốc tế, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, phần lớn quy định cho phép hội đồng trọng tài lựa chọn một ngôn ngữ hay nhiều ngôn ngữ cho trọng tài và trong ít trường hợp cá biệt, pháp luật quốc gia có thể áp đặt sử dụng ngôn ngữ địa phương.
Hệ quả pháp lý khi không có thỏa thuận về ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Việc trao cho hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài khi các bên tranh chấp không có thỏa thuận về vấn đề này tạo ra một hệ quả:
- Hội đồng trọng tài được quyền sử dụng trực tiếp tài liệu bằng ngôn ngữ khác.
- Khi hội đồng trọng tài quyết định ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì không nhất thiết phải dịch các tài liệu bằng ngôn ngữ khác sang ngôn ngữ đã được lựa chọn cho tố tụng trọng tài. Đây là điểm khác biệt rất lớn của tố tụng trọng tài so với tố tụng dân sự tại Tòa án.
Quy định được hiểu như trên giúp đẩy nhanh quá trình tố tụng trọng tài và giảm thiểu chi phí tố tụng nhưng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một hoặc các bên nếu bên này không thể tự hiểu các tài liệu bằng thứ tiếng khác ngôn ngữ trọng tài.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật doanh nghiệp, tư vấn pháp luật đầu tư, tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài thương mại xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất!