Ngày nay, nền kinh tế ngày càng phát triển một cách mạnh mẽ không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia hay một khu vực nữa mà đã phát triển vượt ra tầm thế giới. Nhằm đáp ứng được kịp thời sự phát triển đó hàng loạt các công ty giao nhận hàng hóa được thành lập và là một trong những mô hình kinh doanh đang rất được quan tâm. Vậy, để thành lập công ty giao nhận cần những điều kiện gì và thủ tục thành lập như thế nào, trong bài viết này Công ty LAW FOR LIFE xin gửi đến quý khách hàng những thông tin đủ – đúng như pháp luật hiện hành.
Trước hết cần hiểu giao nhận và công ty giao nhận là gì?
Việc thực hiện hàng loạt các công việc liên quan đến quá trình như đóng gói, bốc xếp, lưu kho, làm thủ tục gửi hàng, dỡ hàng, giao cho người nhận,… được gọi là giao nhận. Vậy giao nhận có thể hiểu là tập hợp các nghiệp vụ bao gồm từ việc chuẩn bị hàng hóa, kho bãi và các thủ tục liên quan đến việc dịch chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua.
Công ty dịch vụ giao nhận hay còn gọi là công ty logistics (thuật ngữ pháp lý) là một hoạt động thương mại. Theo đó, thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc như: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác và tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng. Hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Điều kiện để thành lập công ty giao nhận là gì?
Theo Điều 4 Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định rõ điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ giao nhận Logistics cụ thể như sau:
Thứ nhất, thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics quy định tại Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó. Ví dụ, công ty kinh doanh dịch vụ chuyển phát thì cần đáp ứng được các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chuyển phát theo quy định của luật Bưu chính.
Thứ hai, thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định này, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
Thứ ba, bên cạnh hai điều kiện nêu trên, pháp luật còn quy định riêng các điều kiện khác tùy thuộc vào yếu tố nước ngoài trong vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.
- Nếu công ty không có vốn đầu tư nước ngoài, thì ngoài việc tiến hành thành lập doanh nghiệp theo thủ tục Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư cần phải được cấp Giấy phép kinh doanh một số dịch vụ của Logistics tại các cơ quan có thẩm quyền, phụ thuộc vào dịch vụ kinh doanh ví dụ như: Bộ thông tin và truyền thông, Cục hàng không Việt Nam, Cục hàng hải Việt Nam, …
- Trong trường hợp công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì trước hết nhà đầu tư phải được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào Việt Nam (trừ trường hợp đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư không cần tiến hành thủ tục này). Để được phép đầu tư thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xem xét:
- Nếu nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới thì được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 163/2017/NĐ – CP về phần trăm vốn góp tùy thuộc vào ngành nghề dự kiến kinh doanh.
- Nếu nhà đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp trên, để được phép đầu tư nhà đầu tư phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tục thành lập công ty giao nhận ?
Thủ tục để thành lập công ty giao nhận hay còn gọi là công ty logistics về cơ bản giống như thủ tục thành lập công ty thông thường như quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần);
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực:
- Giấy CMND, còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân;
- Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (công dân Việt Nam: thẻ căn cước công dân, chứng minh thư còn hiệu lực và người nước ngoài: hộ chiếu còn hiệu lực) của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
- Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức
- Văn bản ủy quyền
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh
Bước 3: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp (nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông tin về ngành, nghề kinh doanh của công ty).
Bước 4: Khắc dấu và thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp
Sau khi thành lập, nếu muốn hoạt động trong lĩnh vực mà mình lựa chọn doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục xin giấy phép kinh doanh ngành nghề của lĩnh vực đó. Để được cấp giấy phép, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu riêng biệt của ngành nghề đó theo các điều kiện được công khai trên Cổng thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về vấn đề “Thành lập công ty giao nhận” để được tư vấn chi tiết hơn, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với LAW FOR LIFE để được hỗ trợ.