Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Vậy các đối tượng được cấp thẻ hay được ngân sách hỗ trợ ra sao, hãy cùng LAW FOR LIFE tìm hiểu theo bài viết dưới đây.
Những thông tin cơ bản về Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế.
- Số kí hiệu: 75/2023/NĐ-CP.
- Ngày ban hành: 19/10/2023
- Ngày bắt đầu hiệu lực: 3/12/2023.
- Loại văn bản: Nghị định.
- Cơ quan ban hành: Chính phủ.
- Người ký: Trần Hồng Hà.
Các điểm nổi bật tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế.
Nhìn chung, Nghị định 75/2023/NĐ-CP có các quy định mang tính đột phá, tháo gỡ được các vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Về bổ sung đối tượng và hỗ trợ mức đóng tham gia bảo hiểm bảo hiểm y tế
Bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023.
Đây là các đối tượng người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhưng trong thực tế vẫn còn đang rất khó khăn, được Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân một số tỉnh và cử tri phản ánh kiến nghị. Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia bảo hiểm y tế thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.
Về việc bổ sung quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
- Thực hiện các quyền theo Điều 42 Luật Bảo hiểm y tế và quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
- Được cung cấp thông tin kịp thời khi hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế phát hiện có gia tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để kịp thời rà soát, kiểm tra xác minh, thực hiện giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi nguyên tắc thanh toán theo giá dịch vụ. Theo đó, chi phí dịch vụ khám bệnh, chi phí dịch vụ ngày giường bệnh và chi phí dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành.
Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc sử dụng trong các dịch vụ kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan
Nghị định bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, và cơ quan bảo hiểm xã hội cụ thể:
- Tăng cường trách nhiệm của Bộ Y tế trong chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế, trong mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Đồng thời Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thường xuyên cập nhật, sửa đổi danh mục, điều kiện, phạm vi, tỷ lệ thanh toán đối với các thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, hàng hóa thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, trong việc quy định và hướng dẫn liên thông dữ liệu về kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng, thông tin khám bệnh, chữa bệnh nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
- Tăng cường trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và pháp luật về mua sắm, đầu thầu, để đảm bảo cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm. Nghị định cũng quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải rà soát, ban hành kịp thời các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế theo thẩm quyền; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát xác minh các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao tại cơ sở theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan bảo hiểm xã hội và điều chỉnh phù hợp.
- Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc giám định, chủ động rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.
Cho phép xuất trình Căn cước công dân, giấy tờ trên VneID khi đi khám, chữa bệnh
Đây có thể được xem là một trong những nội dung mới đáng chú ý tạo thuận lợi cho người bệnh trong quá trình đi khám, chữa bệnh hưởng quyền lợi của bảo hiểm y tế.
Theo khoản 6 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc Căn cước công dân. Trong khi đó, khoản 1 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP yêu cầu khi đi khám, chữa bệnh, người bệnh phải xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế.
Trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh, ngoài việc phải xuất trình một trong các giấy tờ như giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; giấy xác nhận của Công an cấp xã; giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác, Nghị định 75/2023/NĐ-CP còn cho phép người bệnh xuất trình giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2.
Như vậy, nếu giấy tờ đã được tích hợp trên VNeID, người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng hình ảnh giấy tờ trên đó để làm thủ tục khám, chữa bệnh hưởng BHYT.
Những quy định này nhằm đẩy mạnh triển khai các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế, phòng chống lạm dụng, lãng phí, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về các chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế, hay về pháp luật dân sự, pháp luật doanh nghiệp, các nghị định sửa đổi liên quan, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất.