Ngày 23/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quản lý giống cây trồng. Nghị định 65/2023/NĐ-CP thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điểm mới về kiểu dáng công nghiệp. Việc ban hành Nghị định số 65/2023/ND-CP đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ SHTT tại Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn, đòi hỏi cao hơn từ CPTPP, EVFTA, RCEP, Thỏa ước La Hay. Trong bài viết dưới đây, LAW FOR LIFE sẽ phân tích những điểm mới trong Nghị định 65/2023/NĐ-CP về kiểu dáng công nghiệp.
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022.
- Thông tư 16/2016/TT–BKHCN về sửa đổi Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệvề sở hữu công nghiệp.
- Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quản lý giống cây trồng.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022) thì kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện dưới dạng ba chiều, như các đường nét của một vật thể bằng hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
Kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trên nhiều loại sản phẩm. Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.
Kiểu dáng công nghiệp cũng yếu tố chính giúp cho một sản phẩm thu hút được sự chú ý của khách hàng đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh do nó có khả năng giúp cá biệt hóa hàng hóa mang kiểu dáng công nghiệp này với các hàng hóa khác tương tự trên thị trường, từ đó giúp chủ sở hữu (cá nhân, doanh nghiệp…) kiểu dáng công nghiệp có được lợi thế kinh doanh hơn so với các đối thủ khác.
Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp?
Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp, bao gồm:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Điểm mới trong Nghị định 65/2023/NĐ-CP về kiểu dáng công nghiệp
Thứ nhất, thay đổi mẫu tờ khai đăng ký bảo hộ
Các mẫu tờ khai, mẫu văn bằng bảo hộ và hướng dẫn khai tờ khai được quy định tại Phụ lục I của Nghị định đã thay thế các mẫu tờ khai kiểu dáng công nghiệp theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
Thứ hai, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La-hay
Ngày 30/9/2019, Việt Nam đã chính thức nộp đề nghị gia nhập Thoả ước La Hay và đến 30/12/2019, Thoả ước này chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Do vậy, Nghị định 65/2023/NĐ-CP ra đời đã hướng dẫn quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp cập nhật theo cam kết mới của Việt Nam khi gia nhập Thỏa ước này.
Hệ thống La-hay, được điều chỉnh bởi Thỏa ước La-hay liên quan đến đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, đơn giản hóa quá trình bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở các quốc gia khác nhau. Thỏa ước La-hay cho phép chủ đơn nộp một đơn quốc tế duy nhất và chọn nhiều quốc gia thành viên nơi họ muốn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình để chỉ định theo đuổi việc đăng ký, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp.
Các thủ tục liên quan đến đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La-hay có nguồn gốc Việt Nam và có chỉ định Việt Nam được quy định khá chi tiết từ Điều 22 đến Điều 24 của Nghị định. Các điều luật này đã cung cấp lộ trình rõ ràng cho chủ đơn trong việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ra quốc tế hoặc từ quốc tế vào Việt Nam.
Theo đó, các cá nhân, tổ chức có quyền nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay nếu cá nhân, tổ chức đó thỏa mãn một trong số các điều kiện sau đây:
- Là công dân của một quốc gia thành viên của Thỏa ước La Hay.
- Thường trú tại một quốc gia thành viên của Thỏa ước La Hay.
- Có nơi cư trú tại một quốc gia thành viên của Thỏa ước La Hay.
- Có cơ sở Thương mại/công nghiệp thực sự và hiệu quả tại một quốc gia thành viên của Thỏa ước La Hay.
Thứ ba, bổ sung quy định rút đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 17 Nghị định 65/2023/NĐ-CP đã bổ sung quy định về việc Cục Sở hữu trí tuệ phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng điều kiện để người nộp đơn có thể khắc phục thiếu sót.
Thứ tư, quy định tách đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Theo điểm a Khoản 1 Điều 17 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP, người nộp đơn có quyền yêu cầu tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trước khi có quyết định thẩm định hình thức hoặc thẩm định nội dung. Tuy vậy, việc tách đơn sáng một hoặc nhiều đơn mới (đơn tách) chỉ được chấp nhận trong trường hợp:
- Tách một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp,
- Khi thực hiện thủ tục tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu theo điểm c Khoản 1 Điều 17 của Nghị định.
Thứ năm, cấp bằng bảo hộ dạng điện tử
Bổ sung quy định về việc cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng điện tử hoặc văn bằng bảo hộ dưới dạng giấy. Đối với các đơn đăng ký nộp từ 23/8/2023 ngày nghị định này có hiệu lực trở đi, văn bằng bảo hộ dạng giấy chỉ được cấp trong trường hợp người nộp đơn thể hiện yêu cầu trong Tờ khai (Điều 29.1).
Thứ sáu, thêm thông tin về quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp của nhà nước
Trong trường hợp sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, các thông tin cần khai báo bao gồm:
- Tên cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
- Tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
- Mã số nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Thứ bảy, công bố muộn đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong tờ khai đăng ký mới
Theo mẫu đơn mới, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể được công bố vào thời điểm muộn hơn quy định thời hạn hiện hành (02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ). Tuy nhiên thời gian gia hạn này không quá 7 tháng kể từ ngày nộp đơn. Do vậy, trường hợp người nộp đơn có yêu cầu, cần lưu ý đánh dấu vào mục này trong đơn đăng ký và ghi rõ thời điểm công bố muộn là tháng thứ mấy (kể từ ngày nộp đơn).
Thứ tám, bản mô tả kiểu dáng công nghiệp
Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp là tài liệu bắt buộc phải nộp cùng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp là văn bản giúp chủ đơn nêu được chi tiết thông tin của kiểu dáng công nghiệp. Người nộp đơn khi nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải nộp cũng thêm 01 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp, xin vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ tốt nhất!