Tôi là một nhà giáo về hưu. Xin cho tôi hỏi một trường hợp như sau:
Cha tôi (chết năm 2002) và mẹ tôi (chết năm 2016) có để lại di sản là căn nhà và đất nhưng không có di chúc cho ai. Cha và mẹ tôi có 12 người con, trong đó:
- Người con tên Phong (sinh năm 1962) đã bỏ nhà đi Lào từ khoảng năm 1998, đến nay không liên lạc được, không biết hiện nay còn sống hay chết. Anh Phong có 01 người vợ tên Lan (sinh năm 1962) và 01 người con tên Thủy (sinh năm 1984), nhưng:
Chị Lan đã bỏ nhà đi sang Trung Quốc từ năm 1987 và đến nay không liên lạc được. Chị Lan còn người Cha nhưng chúng tôi cũng không biết ở đâu, không liên lạc được ông cụ.
Con gái chị anh Phong tên Thủy vẫn còn hộ khẩu chung nhà tôi nhưng trên thực tế Thủy bỏ đi kiếm sống ở Lào Cai từ năm 2007 đến nay và tôi cũng không liên lạc được.
- Người con tên Vũ (sinh năm 1969) chưa có vợ con. Nhưng từ khoảng đầu năm 2024 thì anh Vũ đã bỏ gia đình đi đâu cũng không ai biết và không liên lạc được. Hộ khẩu anh Vũ thì vẫn chung nhà với tôi.
- Người con gái tên Hà (sinh năm 1965) đang định cư tại Úc.
Gia đình chúng tôi muốn chia di sản của cha mẹ để lại. Xin cho chúng tôi hỏi chúng tôi phải làm cách nào mới phân chia được?
Chúng tôi tôi có hỏi thăm thì có nhiều người chỉ khác nhau, như:
- Có người thì bảo rằng chúng tôi phải làm Đơn yêu cầu Tòa án tỉnh tuyên bố anh Phong chết, Thông báo kiếm anh Vũ. Khi đến Tòa án tỉnh thì nơi này nói nếu tuyên bố anh Phong chết thì phải đưa cả vợ và con anh Phong vào tham gia tố tụng, khi đó phát sinh con gái anh Phong phải làm thủ tục Thông báo kiếm người như với anh Vũ, rồi vợ anh Phong đi Trung Quốc không liên lạc được cũng phải làm Thông báo tìm hoặc tuyên bố chết. Tòa cũng nói nếu làm thủ tục yêu cầu với vợ và con anh Phong thì sẽ phát sinh thêm cha của chị Lan (vợ anh Phong) là người yêu cầu chứ chúng tôi không có quyền yêu cầu. Trong khi đó chúng tôi không biết cha chị Lan ở đâu vì ngày xưa chị Lan về ở với anh Phóng là sống cặp với nhau chứ gia đình 2 bên không cưới hỏi, không biết nhau.
- Có người thì chỉ dẫn chúng tôi làm thủ tục khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia di sản thừa kế. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi Tòa án hướng dẫn thì nơi này bảo muốn khởi kiện thì phải xác định người bị kiện là ai, phải cung cấp đầy đủ giấy tờ nhân thân của cả vợ anh Phong. Nhưng chúng tôi không có giấy tờ của chị này, chỉ có khai sinh của Thủy có ghi tên mẹ nó là chị Lan. Chúng tôi cũng không biết trường hợp này chúng tôi sẽ ghi người bị kiện là ai nữa?
Di sản có giá trị không lớn, nếu chia đều cho tất cả những người con thì mỗi người được không hơn 40 triệu đồng. Hoàn cảnh chúng tôi thì đều nghèo khó, thật sự không đủ khả năng mời luật sư giúp nên kính mong được các chuyên gia thương tình, chỉ dẫn tận tình cho chúng tôi cách tháo gỡ. Xin cho chúng tôi biết cách tốt nhất để có thể phân chia di sản của cha mẹ để lại.
Với nội dung yêu cầu tư vấn của bác, LAW FOR LIFE xin tư vấn như sau:
Trường hợp này, khi các đồng thừa kế không liên lạc được, để đơn giản thủ tục sẽ tuyên bố người đó mất tích. Sau đó, cử ra người quản lý phần di sản mà người thừa kế này được hưởng đến khi người này quay trở về. Các đồng thừa kế sẽ họp bàn đưa ra thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, trong đó để lại 1 phần di sản cho các đồng thừa kế kia.
Quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự vê Tuyên bố mất tích như sau
“ 1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
- Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
- Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.”
Theo đó thủ tục tuyên bố một người mất tích:
- Chủ thể có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất tích : người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Đơn yêu cầu, trong đơn yêu cầu cần có những nội dung như sau : Ngày, tháng, năm, viết đơn; tên, địa chỉ của người yêu cầu, những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết; lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết vụ việc dân sự đó; tên địa chỉ những người có lIên quan; các thông tin khác mà người yêu cầu thấy cần thiết cần cung cấp; kèm theo là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
- Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.
Tòa án có thẩm quyền: Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;
Trân trọng./.